Tuesday, March 19, 2013

Nhớ Trương Thương, người ưa nói thẳng

http://d3trabu2dfbdfb.cloudfront.net/2/1/2148085_o.jpeg
 Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
(thơ Phùng Quán
)

Đỗ xuân Thảo

http://d3trabu2dfbdfb.cloudfront.net/2/1/2148165_o.jpegPhải nói ít có khuôn mặt nào, kể cả các tôi tớ hầu việc Chúa, lại được nhiều người biết đến tên bằng anh Trương Thương. Anh đến đâu là ở đó có sự ồn ào, không khí vui nhộn hẳn lên dù nơi đó là điểm nhóm, chỗ cắm trại, phòng ăn potluck hay cuộc vui gia đình. Anh hay đi, thích giao lưu đặc biệt trong vòng bà con Cơ đốc, mà đã đến là phải…nói, không cho nói anh cũng nói, đôi khi nói ít không chịu đòi nói nhiều. Tôi nhớ hôm lễ tưởng niệm MS Lê Hựu tại nhà thờ EL Monte, MS Vinh có mời anh phát biểu vì biết anh có nhiều kỷ niệm với người Thầy tại trường Cơ Đốc. Chương trình thì giờ có hạn, mỗi người chỉ được nói trong vòng 5 phút. Trương Thương đòi nói lâu hơn, nếu không được thì xin cho miễn. Ban tổ chức đành thôi kệ cho ‘ông hay nói’ được nói dài hơn.
Là người hay nói, nhưng không có nghĩa  chỉ là chuyện tầm phào, giao lưu cho vui câu chuyện, ngược lại anh luôn có những góp ý rất thẳng thắn, góp  phần xây dựng cho sinh hoạt của các hội thánh, thậm chí có những điều ‘chướng tai gai mắt’ nhiều người thấy mà không dám nói, phần do vị nể, phần sợ mất lòng, nhưng nếu biết được Trương Thương sẵn sàng dám nói. Nói theo tinh thần Kinh thánh là ‘để gầy dựng cho nhau’ chứ không phải do ghét bỏ hoặc bè phái cá nhân. Anh có lợi điểm là người quen biết nhiều do những quan hệ dây mơ rễ má đồng hương đồng tộc vùng đất Quảng, lại đã từng học trường thần học ngang vai vế với nhiều mục sư trong đó có người đã giữ các chức vụ lãnh đạo điều hành hội thánh  trong nước cũng như hải ngoại sau 75,  nên tiếng nói của anh có trọng lượng, thậm chí những kẻ giả hình hai mặt, kiêu ngạo cá nhân, ưa gây chia rẽ thấy anh là ngại vì sợ anh điểm mặt nêu tên.
Tất nhiên là ngườ ưa nói thẳng, thế nào cũng có người thương kẻ ghét, nhưng may thay Trương Thương lại không nằm trong ước lệ này.  Nhiều người vẫn thích anh, hiểu anh và đồng cảm với anh vì bản thân con người Trương Thương  rất trung thực, sống có tình, hay quan tâm đến người khác và giàu lòng nhân ái, thể hiện thiết thực bằng việc làm. Anh đến đâu là có sự tay bắt mặt mừng, người kêu chú Thương, người kêu anh Thương, người xưng mi tau, già có trẻ có, vai trên vai dưới, tín đồ cũ mới, người ôm người  đòi chụp hình chung…(xem hình minh họa trên trang nhà).
Là người có sự quen biết anh từ khi ra hải ngoại, khoảng đầu thập niên ’90, thú thật lúc đầu tôi không thích anh lắm vì có nghe giai thoại anh không chịu bắt tay một tôi tớ Chúa đã từng có thời hoạt động hai mang và hay tỏ lộ công khai thành kiến này, nhưng sau nhờ thân với bà vợ tôi hồi còn sinh hoạt ở HT Phú nhuận và biết tôi cũng ở tù CS  trên 12 năm, nên anh đã tiếp cận tôi, rồi anh em tìm hiểu nhau ngày càng thân nhau . Chẳng hiểu sao anh luôn xưng em với tôi dù anh hơn tôi vài ba tuổi, phần tôi cũng chẳng ngại ngùng khi gọi Chú Thương.
Có những dịp lễ lạt, ăn uống ở nhà con rể tôi, anh với tôi tâm sự cả mấy tiếng đồng hồ, toàn anh nói, tôi chỉ gợi chuyện. Anh có trí nhớ dai, đặc biệt là lịch sử giáo hội ta và sinh hoạt qua từng thời kỳ. anh có sự kính trọng đặc biệt hai mục sư cao niên Phạm Thiện và Lê Hựu. Tôi đã chứng kiến giọt nước mắt của anh dành cho hai vị này như anh đã dành cho cha anh ngày hai vị ngủ an.
Cũng trong những dịp anh em trao đổi, có mấy giai thoại tôi xin thuật lại để chia sẻ cho vui, từ đó để bà con càng hiểu thêm về con người Trương Thương.
 Ít năm sau ngày miền Nam đổi chủ, cuộc sống khó khăn anh phải đạp xích lô.
Chỉ còn cách tìm đường vượt biên. May cho anh, một chủ ghe biết anh giao cho anh nhiệm vụ an ninh, cho đi sang đến Mỹ mới trả tiền. Là người ngoại đạo, ông chủ ghe đi xem bói, kéo anh theo, nể tình anh cũng đi, nhưng giao hẹn là đạo anh cấm coi bói toán.  Coi xong, chủ ghe giới thiệu  anh là ‘mục sư Cơ đốc’ cùng đi chuyến này. Ông thầy bói coi tướng anh rồi nói thầm với ông chủ ghe,’ cho ông mục sư này đi, ghe sẽ tới bến’. Chủ ghe mừng rỡ, nhờ anh cầu nguyện dùm khi lên tàu. Chuyến đi gặp mùa gió chướng cũng lắm hiểm nguy, hằng đêm anh nắm tay chủ ghe lớn tiếng cầu nguyện trên boong. Tàu tới đảo bình an. Cả anh và gia đình chủ ghe về định cư vùng Loma Linda, thông cảm hoàn cảnh vợ con  anh còn ở bên nhà, chủ ghe cho anh nợ bao giờ có tiền thì trả. Mười năm sau bảo lãnh cho vợ con xong, anh thu góp trả cho chủ ghe ba cây vàng , qui ra bằng đô-la, lúc này đã cao giá hơn xưa. Chủ ghe định tư chối, nhưng anh không chịu vì muốn giữ lời hứa. Trương Thương là như vậy, luôn giữ lời hứa, khấn nguyện là làm, dù nhiều lúc cũng gian nan nhưng miệng vẫn ngợi khen Chúa ‘ Chúa còn thương em’.
Cách đây khoảng bốn năm, nhân dịp lễ Tạ Ơn, anh có mời gia đình tôi tham dự một buổi tiệc tại một nhà hàng vùng Little Saigon. Hỏi lý do anh nói cứ đến rồi biết. Bữa ăn khoảng sáu bảy chục người, món ăn như tiệc cưới, khách một nửa là bà con đồng đạo, còn lại là họ hàng bạn bè bên anh. Anh gọi riêng tôi ra nói nhỏ, bữa nay là mừng thọ 70 của em, nói ra sợ bà con mang quà tới nên em dấu. Chút  nữa nhờ anh cầu nguyện trước khi vào tiệc, anh nhớ nói là mừng Thanksgiving và có đôi lời về Chúa cho mấy bà con bạn bè bên em. Tôi định từ chối vì thấy có mấy vị chức viên, nhưng anh bảo đây là tiệc gia đình không câu nệ nghi thức. Trên sân khấu bữa nay là dịp cho anh nói, anh lại nói ít, nhường cho tôi đi thẳng vào chương trình. Không khí họp mặt rất vui, cảm động là đứa con út làm ăn xa bên miền Đông báo cho cha không về được, giờ chót cũng dẫn vợ và cháu nội đến chúc thọ cha. Ông bà chủ ghe cũng có mặt. Anh hơi buồn vì có mời bà Th. T. nhưng bà không đi.
Ở tuổi thất thập lẽ ra người ta nghỉ ngơi, anh lại bệnh tìểu đường nhưng vẫn miệt mài lao động. Tôi bảo anh nghỉ cho khỏe, anh nói em cần tiền giúp mấy cháu và tín đồ bên nhà, ngưng gởi sợ họ và tụi nó buồn. Niềm vui đươc ‘cho’ hơn ‘nhận’ giúp anh quên mệt và cũng là cá tính của anh.
Hôm biết anh bị bạo bệnh qua một e-mail của cô Lê (cô này hay chia sẻ những thông tin nhanh nhạy trong vòng anh chị em), tôi và vợ cùng mấy cháu xuống thăm anh, vì có linh cảm anh sắp đi xa. Gặp anh mừng rỡ, tinh thần còn cao, sẵn sàng chấp nhận, giọng nói yếu ớt thều thào nhưng vẫn cứ nói. Anh khoe ngay ông này bà kia tới thăm và điện thoại cùng cầu nguyện cho anh, đáng chú ý là có cả mấy vị hồi trước anh có làm mếch lòng (vì ưa nói thẳng) lúc này cũng nhiệt tình thăm hỏi và chúc lành cho anh. Cũng chuyện thăm hỏi và cầu nguyện, anh có kể cho tôi nghe mới hôm qua đây ông bạn em người khác đạo có khuyên em cầu thêm một đấng nữa, em trả lời dò tìm Kinh thánh chỉ có một Đấng em cầu mà thôi. Rồi anh chỉ cho ông bạn hình Chúa Giê-su trên tường. Tôi thầm nghĩ như ngưòi thường thì cứ cám ơn rồi không làm, nhưng với anh Thương thì khác vẫn thẳng thắn biểu lộ niềm tin của mình. Tính cách Trương Thương là như vậy.
Viết về Trương Thương chẳng biết sao cho đủ, chỉ xin dùng mấy hàng chữ chân tình này thay cho lời ai
điếu.
 

Đỗ Xuân Thảo
http://d3trabu2dfbdfb.cloudfront.net/2/1/2148146_o.jpeg

2 comments:

  1. Trương Văn SongMarch 18, 2013 at 8:27 PM

    Tôi biết anh Trương Văn Thương từ khi anh còn là sinh viên Thần Đạo ở Trường Cơ Đốc đầu thập niên 1960. Sau này khi tôi hợp tác với cố Mục sư Hiệu Trưởng Lê Hựu lo môn Toán cho các lớp 6,7 thì anh là Giám Thị tại trường này. Chúng tôi gặp lại nhau vào khoảng đầu thập niên 1980 sau biến cố 1975 tại California. Lần sau cùng tôi gặp anh là tháng 2, 2013 tại Trung Tâm Người Viêt San Diego khi mọi người đã thấy những dấu hiệu của sự suy tàn cơ thể do cơn bịnh nan y hoành hành, không ngờ đó là lần cuối.
    Tôi rất mến phục anh vì sự hy sinh cao cả của 1 ngưới cha, 1 người chồng suốt đời tận tụy hy sinh cho vợ cho con. Anh cũng đã sống xứng đáng 1 tín đồ Cơ Đốc Phục Lâm, trung tín và ngay thẳng cho đến suốt cuộc đời của mình.
    Tôi xin chia xẻ với tất cả thân quyến sự mất mát to lớn này và nguyên cầu xin Chúa cho anh ra đi bình an cùng an ủi tất cả những người anh yêu mến và mến yêu anh.
    Vinh biệt anh!
    Em Trương Văn Song

    ReplyDelete
  2. Chu Thao kinh men,

    Con thanh that cam on chu.
    Nhung tinh cam than thuong cua chu danh cho anh Hai Thuong cua con that la quy hoa.
    Con cung co rat nhieu ky niem sau sac voi anh nhung con khong the viet.
    Doc bai chu viet ve anh con cam kich vo cung. Tuy la anh em co cau nhung con xem anh nhu anh ruot.
    Tinh anh " ruot de ngoai da" khong gi de bung. Anh cung hay goi dien thoai ve tham, lan nao noi chuyen cung ca tieng dong ho, nhu chu cung biet toan la anh ke chuyen minh nghe thoi. Va cau: Anh ta on Chua duoc nhac di nhac lai sau moi cau chuyen.
    Con co goi dien thoai bao tin cho nhung nguoi tin huu truoc lam BVCD ho cung thuong tiec va nhac ve anh la nguoi vui tinh, nhiet tinh. Thoi gian anh hoc truong Kinh Thanh anh co nhan lam them trong BV - phuc vu bung com cho binh nhan.
    Nhu vay la chua den mot thang ma con mat di hai anh chi con cua 2 co (anh Thuong la con cua co ba va chi Thuy con co sau), hai nguoi deu binh ung thu :-(

    Nguyen Chua o cung chu luon.
    Con Le

    ReplyDelete