Monday, August 13, 2012

BỆNH "GIỜI LEO" (SHINGLE).

image

Tôi bị giời-leo ngày học quân trường Thủ-Đức. Làm đủ mọi cách kể cả đến bệnh-xá xát trùng và chích peniciline mà không hết. Mỗi lần xát trùng và rửa thật sạch bằng alcohol thì tưởng rằng sẽ hết, nhưng sáng mai thì lại thấy có mủ.
Một anh bạn mách nước: lấy đậu xanh (green bean) nhai và đắp lên rồi băng lại. Tôi làm như vậy thì sáng hôm sau vết thương khỏi hẳn, không bao giờ tái phát..
Một kinh nghiệm qúy báu, hỵ vọng sẽ giúp ích được cho đời.
Đồng thời, cũng xin cám ơn anh bạn nào đó dã giúp tôi. Ngày đó mới 20 tuổi, không đủ chín chắn để cám ơn người bạn mà tôi đã quên tên và cũng không nhớ là anh bạn nào. Xin tha lỗi.

Bệnh GIỜI LEO. (herpes zoster virus).
image
Ở Việt Nam, chẳng cứ người bình dân ít học, mà ngay người học thức đầy bồ, nếu thấy trên cổ, trên mặt, trên lưng, bắp vế, bắp tay, thậm chí cả khu “tam giác quỷ” của mình, xuất hiện một vệt đỏ hơi sần sùi mụn cám. Ban đầu còn tưởng bị côn trùng đốt hoặc nổi mề đay nhưng thấy vết đỏ nọ không lặn, mụn cám phồng dần, không ngứa mà lại đau nhức, họ biết ngay đã bị giời leo. Thay vì đi bác sĩ, họ lại tìm tới thầy khoán. Chung quanh việc chữa bệnh giời leo bằng cách khoán, có nhiều điều “hơi bị lạ”.
image 
Thầy "khoán" chữa bệnh
Từ thầy khoán...Khoán: hiểu nôm na là giao phó, lãnh nhận trọn vẹn (trong nghĩa bán khoán, nhận khoán, mua khoán). Trong bệnh giời leo (cả bệnh quai bị) khoán có nghĩa là “rào” vùng bị đau lại, không cho bệnh “dời” hay “leo” sang chỗ khác. Khi con bệnh đến xin khoán, nếu thấy vết đỏ chưa lan rộng, mụn chưa chảy nước, người bệnh chưa bị những cơn đau nhức dữ dội hành hạ thì có nghĩa mới bị một tuần đổ lại, và cơ may chữa lành bệnh là trăm phần trăm, thầy khoán sẽ dùng vôi ăn trầu (hay mực tầu) vẽ một vòng tròn quanh vết đỏ để phong tỏa “giời”. Quá trình chữa bệnh diễn ra chừng một phút, không đau đớn, không va chạm, không uống thuốc, dán bùa, quất roi dâu như kiểu trục bệnh của thầy pháp. Người chữa chỉ đơn giản đốt ba nén nhang, bảo người bệnh nhắm mắt lại, quơ nhang vẽ ngoằn ngoèo trước vết đau, đọc lầm thầm vài câu gì đó, rồi ngậm một nhúm bột trắng (là gạo và nếp giã chung) nhắm thẳng những vết sưng đỏ trong vòng khoán thổi phù phù. Thầy thổi xong, người bệnh ra về. Tối mai, tối mốt đến khoán tiếp. Đủ ba tối thì thôi. Vết đỏ bớt sưng tấy, chuyển từ mầu đỏ sang đỏ sẫm, rồi thâm đen. Các mụn khô mặt, tróc vẩy. Bệnh lui dần, hết hẳn.
image
Để tạ thầy, thường con bệnh mua đĩa trái cây hay trà bánh cúng tổ. Cũng có người “bỏ bao thư” nhưng chỉ năm ba chục ngàn gọi là. Nói về những khoản thu nhập ít ỏi, thất thường này, thầy Ba Nghĩa ở Tân Uyên- Bình Dương cho biết hai mươi tám năm làm thầy khoán giời leo, khoán quai bị, chữa trật khớp tay chân hầu như thầy chỉ “ăn hương ăn hoa” là chính. Ai làm thầy khoán cũng đều vậy, chẳng riêng thầy, nghĩa là phải mưu sinh bằng nghề khác, còn khoán chỉ coi là duyên, là nghiệp chứ không phải nghề. Người làm thầy khoán, lúc thọ giáo với sư phụ, phải thề không ăn tiền, không lợi dụng người bệnh. Nếu làm trái lời thề, sẽ tự nhiên bị “phế võ công”.Lý giải nguyên nhân gây bệnh giời leo, dân gian đều bảo tại con giời - một loài côn trùng phát lân tinh giống đom đóm nhưng chỉ nhỏ cỡ đầu tăm - gây ra. Chặp tối, giời bay kiếm ăn, quẹt trúng quần áo phơi ngoài trời. Lỡ mặc phải quần áo bị giời quẹt trúng này đương nhiên bị bệnh giời leo (có lẽ vì thế, ở thôn quê, người ta không phơi đồ ban đêm).
image
Một nữ bệnh nhân, kẻ viết bài gặp ở chỗ thầy Ba Nghĩa, kể thoạt đầu nghi bị giời leo nhưng mới xin được việc làm, không dám nghỉ đi trị bệnh, sợ mất việc, đành ở nhà, ai chỉ gì làm đó. Từ giã đậu xanh, giã lá chùm ruột đắp chỗ đau, tới “âm thầm” viết tên tuổi vô lá mướp đắng, gói kín, không nói cho ai hay, lén giắt dưới ông táo. Rốt lại, sau mươi bữa, vết giời leo từ bụng lan ra sau lưng. Lan tới đâu nhức kêu trời tới đó. Khi người nhà chở chị tới xin khoán, xem vết thương xong, thầy Ba Nghĩa thở dài. Người nhà lo lắng hỏi, chữa được không thầy. Thầy Ba nói mát, sao không đợi giời chạy giáp vòng luôn hẵng tới. Chạy giáp vòng thì sao? Thì chết chứ sao! Kinh nghiệm cho thấy, mới phát bệnh giời leo mà khoán ngay thì hết dễ dàng. Nếu bệnh đã phát kịch liệt, “giời” chạy lung tung, các dây thần kinh bị thương tổn nặng, việc chữa trị sẽ rất khó khăn, lâu lắc, thậm chí không tác dụng. Tân Uyên, Tân Ba, Thành Hội, người chết vì giời leo thỉnh thoảng vẫn có... Nói tóm lại, giời leo là bệnh quái ác, không nên coi thường. Người bị giời leo một lần rồi chưa chắc được miễn nhiễm. Đang chữa giời leo bằng cách khoán, phải kiêng ăn “đồ phong” như tôm cua, thịt bò. Đặc biệt, không được viếng đám ma. Cũng không nên phối hợp vừa chữa thuốc tây vừa đi khoán, trừ khi muốn “thăng thiên” sớm.
image
Tới Bác sĩ...Với những chứng cớ khoa học, giới Tây y đã minh oan cho con giời, đồng thời chỉ đích danh thủ phạm gây bệnh giời leo là virus Herpes Zoster (cũng là virus gây bệnh thủy đậu). Bệnh này tuổi nào cũng có thể “được” nếm mùi nhưng ưu tiên nhất vẫn là các vị tuổi 60 trở lên (tính trung bình, ở Mỹ, trong số trên dưới một triệu người mắc bệnh giời leo mới hàng năm thì phân nửa là người cao tuổi). Khi mới bệnh, đi bác sĩ ngay thì sẽ không nếm được những cơn đau “như có hàng trăm con ong cùng chích một lúc” hay “như có cái khoan khoan xoáy vào trong xương tủy”. Bệnh nhân được khuyến cáo không đắp các thứ lá vớ vẩn dễ nhiễm trùng da, không cúng quẩy, bùa chú mà phải sử dụng vài biệt dược như Acyclovir (uống 5 lần/ ngày, từ 7 ngày- 10 ngày) hay Valacyclovir (3 lần/ ngày, uống 7 ngày), Famcyclovir (3 lần/ ngày- uống 7 ngày), đồng thời đắp gạc mỏng lên vết thương, giúp ngăn không cọ xát vào quần áo. Tùy theo thể tạng người bệnh, tình trạng bệnh, những loại thuốc giảm đau, chống trầm cảm, tăng sức đề kháng có thể được bác sĩ chỉ định dùng thêm.
image
Một “cụ tao” (tuổi cụ nhưng thích xưng tao) trong làng báo trước năm 75, hai năm trước sang Mỹ theo diện bảo lãnh, mới đây “bò” về trong tình trạng điếc một tai, suýt mù một mắt và bả vai thì “vô cùng bi kịch”. Ông này diễn tả “giá có súng, tao nhờ mày bắn nát vai tao, có lẽ còn dễ chịu hơn”. Vì sao nên nỗi? Thì giời leo! Sao không đi khoán? Khoán con khỉ! Bị lúc đang ở Hawai với đám con cháu. Biết kiếm đâu ra thầy khoán An Nam. Đòi về, chúng không cho về một mình. Để cả bọn vì mình, kéo về hết thì mất vui. Thế là cứ cắn răng chịu. Hết một tuần, về lại San Jose . Chỗ này mách ông A, chỗ kia mách ông B. Khốn nỗi chả ông nào ở gần. Muốn tới họ, phải cưỡi máy bay, phải cậy con đưa đón. Mà con thì bận đi làm. Đành nằm nhà, gọi bạn (cũng già) đến khiêng đi chữa trị. Qua tay vài lang Tây , lang Ta, thầy khoán. Thầy nào cũng lắc đầu ái ngại bảo để trễ quá, chữa không ăn thua! Con cái đành đưa “cụ tao” về lại Sài Gòn, chuẩn bị cho cụ “lên đường’.
image 
Nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt
Nghe kẻ viết bài nhắc “đồ giời leo khốn nạn”, cụ ngồi bật dậy, tuôn một tràng những hiểu biết thu thập từ internet, bạn bè, và nhất là từ “cái thằng tao”. Cụ dặn đi dặn lại “mày” viết cho bên ấy biết, bệnh giời leo (còn gọi là bệnh Zona thần kinh hay bệnh Shingles) là không chủ quan được đâu. Bị, thì cố tìm cách chữa ngay. Đừng sợ phiền con cháu. Đừng nghĩ mình chịu được mà nằm nhà uống thuốc cầm chừng. Làm thế, trước sau gì cũng chết, không phải chết vì bệnh, mà chết vì đau đớn. Đau giời leo không đau nào so được, kể cả đau đẻ, vì đau đẻ chỉ một hai ngày là nhiều, trong khi đau giời leo vừa dữ dội vừa dai dẳng hàng năm trời. Chịu đau cỡ tao - ngã mô tô, dám ngồi tại chỗ, nhấc cái đầu gối lên, cầm cục xương lòi ra trắng hếu...Vậy mà bị giời leo hành, đang nằm, cơ thể tự động giật “pực pực’, nhào luôn xuống giường. Thằng con vội lôi ngay xô nước đá...
image
Ấy là nghe kể thôi, chứ lúc đó ngất rồi, biết gì đâu. Nhiều vị biết chuyện đâm ra sợ hãi. Các vị hỏi làm sao phòng trừ ác bệnh. Xin nói ngay, trừ thì chưa có, nhưng phòng thì có rồi. Bác sĩ Nguyễn Ý Đức, ở bang Texas- Mỹ, trong một bài viết trên internet về bệnh giời leo, cho biết, ở Mỹ, từ năm 2006, thuốc chủng ngừa đã được lưu hành.Tóm lại, trong cuộc chiến phòng và diệt bệnh giời leo, lang Tây và lang Ta, một bên đại diện cho khoa học thực nghiệm, một bên đại diện cho khoa học... huyền bí, chỉ giống nhau ở chỗ cùng thừa nhận bệnh giời leo gây đau đớn dữ dội, nếu chạy chữa ngay trong tuần đầu thì “no problem” (để muộn có thể gây biến chứng nặng cho vài bộ phận cơ thể hoặc nguy tới tính mạng), còn kỳ dư, hai “lang” khác nhau một trời một vực trong cách giải thích nguyên nhân gây bệnh và cách chữa bệnh. Đọc đến đây, nếu quí độc giả nào đột nhiên phát hiện trên mình một vệt da mầu đỏ, dầy bì bì, lấm tấm mụn, không ngứa mà chỉ đau nhức thì... ôi thôi rồi! Mau mau đi bác sĩ hoặc kịp tìm thầy khoán. Đừng để chậm trễ, đến lúc phải miễn cưỡng “leo lên giời” theo diện giời leo thì coi như bổn báo mất đứt một độc giả trung thành. Sẽ buồn và tiếc thương lắm đấy!
image
Bệnh này (shingle) đang được Super Market Pharmacy SAFEWAY quảng cáo chích ngừa(ngay trong chợ). Nếu bạn 60 tuổi hay già hơn, bảo-hiểm sức-khỏe của bạn trả 100%. Bằng không bạn phải trả $209.99. Chích trên cách tay gần vai kim chích vào tay chỉ đau bằng 1 phần ngàn của sự đau-đớn nếu đã  bị bệnh và đau (off & on) kéo dài hàng năm trời. Bệnh này già hay trẻ cũng bị bệnh nhưng vào tuổi già thì dễ mắc bệnh hơn (vì hệ-thống miễn-nhiễm yếu). Xuân Hằng
image 
.
image
image
image 
.
image 
.
image 
.
image
  



Sao ba lại bỏ con.



Friday, 03 August 2012 17:52
Giao Chỉ- San Jose.
(Viết cho bé gái tìm cha, viết cho bà mẹ thuyền nhân, tình duyên trắc trở. Có con chim đa đa, chồng xa không có, chồng gần cũng không.  Bốn con đủ bốn ông chồng…)

Ngàn dặm tìm cha.
Tôi sẽ kể cho quý vị nghe câu chuyện của cô gái thần dân vương quốc Đan Mạch 21 tuổi từ đất nước của loài tiên cá đã đến San Jose tìm cha. Cha của cô là Đặng kim Nhật, mẹ là Nguyễn thị Ngọc Hoa. Cả 2 là Thuyền nhân. Gặp nhau tại Phi và cô Nguyễn Đặng Nhã Uyên ra đời năm 1991. Từ Phi Luật Tân anh chàng Kim Nhật họ Đặng bỏ mẹ con cô để cùng anh em họ Đặng đi Mỹ. Mấy tháng sau mẹ Ngọc Hoa họ Nguyễn bế con chưa đầy năm đi Đan Mạch. Đứa con gái Việt Nam còn giữ mãi cái tên Nhã Uyên đến làm dân xứ lạ có 443 hòn đảo. Họ của cô là họ cả cha lẫn mẹ Nguyễn Đặng. Cô Uyên không có tên Đan Mạch. Năm 12 tuổi Uyên hỏi mẹ ba con đâu. Mẹ kể lại câu chuyện tình duyên của thuyền nhân, chuyện vượt biển, chuyện cộng sản và sau cùng là tin tức về người cha xa cách nghe nói hiện tại ở San Jose. Cả chuyện ông Nội bị Việt cộng chôn sống. Chủ nhật cuối tháng 7-2012 vừa qua, trên lầu 2 của viện bảo tàng Thuyền nhân Việt Nam tại San Jose tôi hỏi chuyện cháu bằng Anh ngữ và Việt ngữ. Nếu bây giờ con gặp ba thì con sẽ hỏi câu gì. Phải chăng con hỏi rằng tại sao ba lại bỏ má con. Uyên lắc đầu : Thưa bác con sẽ hỏi là tại sao ba lại bỏ con ? Câu hỏi này con đã nghĩ đến từ lúc 12 tuổi.

Đan mạch là ở đâu :
Denmark là xứ sở của nền quân chủ lâu đời cũng tương tự như Anh Quốc, gọi là quân chủ lập hiến. Thực ra đó là đất nước dân chủ. Vương triều chỉ còn tượng trưng. Dân số 6 triệu, Phía Nam giáp Đức quốc , còn chung quanh là biển. Sau hơn 30 năm nước này tiếp nhận thuyền nhân, rồi them gia đình đoàn tụ hiện có trên 10 ngàn dân Việt.  Mẹ con cô Uyên là gia đình Việt Nam trong cộng động nhỏ bé đó. Ở đây cũng có chùa, nhà thờ và lớp Việt Ngữ. Từ thuở nhỏ Uyên đã được cho đi học Việt Ngữ. Biết đọc, biết viết, cũng đủ để viết thơ cho họ hàng của mẹ còn ở Việt Nam. Năm tốt nghiệp cuối cùng lớp Việt Ngữ, Nhã Uyên đã được các phần thưởng vì thành quả xuất sắc. Ngay bây giờ cháu còn đọc được báo Việt và những bài học thuộc lòng của lớp Việt Ngữ. Hỏi cháu biết hát không. Có, con hát theo cái đĩa nhạc phát hành bên Cali. Con hát bài gì. Bài thích nhất là chim Đa Đa.  Hỏi rằng con thương ai nhất, Nhã Uyên thương má nhất. Má của cô có cuộc đời thuyền nhân còn khổ hơn chim Đa Đa. Cô sẵn sàng kể hết chuyện nhà trên xứ Đan Mạch. Chẳng hề dấu diếm, chẳng hề mặc cảm ngại ngùng. Cô là con gái duy nhất của mẹ, nhưng cô có đến 3 em trai. Cô thương từng đứa. Cô gọi cha của những đứa em là ba của em con. Hỏi mẹ cô hiện ở với ai. Cô nói ly dị hết rồi.  Cô đi học đại học ở trong trường. Mẹ ở với 3 em. Ba người con với 3 ông chồng Việt Nam. Nhưng hiện không còn ông nào cả. Chỉ còn mẹ với 3 con trai. Vì vậy nên cô thương mẹ nhất. Cuộc đời tình duyên của mẹ rất ngang trái. Hỏi cô có thương ba không. Uyên nói con chưa biết là sẽ thương hay ghét. Có ở gần đâu mà biết. Cô nghe kể lại có gặp ba lần duy nhất. Lúc đó cô 5 tháng tuổi. Ba đến gặp mẹ để chia tay trong trại tỵ nạn Phi Luật Tân.
Ngày xưa mẹ có hình của ba, nhưng đã thất lạc rồi. Đứa bé 5 tháng làm sao nhớ mặt cha.

Gặp gỡ tình yêu.
Năm 20 tuổi Nhã Uyên ghi danh đi thi môn vũ. Cô tự coi là có khả năng về nghề múa. Muốn trở thành vũ công chuyên nghiệp. Sẽ đi biểu diễn và sẽ trở thành vũ sư dậy nhảy múa. Đó là Plan A. Còn không được thì sẽ làm nghề nuôi trẻ. Trông trẻ sơ sinh hay làm cho vườn trẻ. Đó là Plan B.
Nhưng đôi khi không chuẩn bị mà lại có Plan C. Nhã Uyên đi thi vũ gặp một nam thí sinh và 2 người quen nhau. Quen nhau rồi yêu nhau, rồi hứa hôn. Cậu nầy cũng là sinh viên và là người Đan Mạch thứ thiệt. Mới 22 tuổi, tên là Bjarhe thuộc dòng họ Stanley Nielsen. Chàng ở thành phố Aarhus, nàng ở Valby cách xa nhau như LA với San Jose. Hai tuần tình yêu mới gặp lại. Khá vất vả. Dự tính cuối năm 2012 thì sẽ ăn cơm chung. Hỏi có làm đám cưới không. Chưa biết. Dọn vào chung phòng là chắc. Cháu theo đạo nào. Cháu đi chùa theo mẹ. Còn cậu kia võ tự do.
Hoàn thành sứ mạng.
Nhưng trước khi các cô cậu sinh viên đại học quyết định về ở chung thì cô Nhã Uyên có sứ mạng phải hoàn tất. Phải qua San Jose tìm cha. Đài truyền hình 12 của Đan Mạch là 1 cơ sở truyển thông lớn thuộc công ty Gong có chương trình trên khắp các thành phố.
Cô Celeste Pedersen là đạo diễn và chuyên phụ trách phim phóng sự đã nghe được chuyện của Nhã Uyên. Từ chuyện tình đến chuyện thuyền nhân Từ quyết tâm của cô gái trẻ Á Châu có sự yểm trợ vô điều kiện của cậu sinh viên Đan mạch. Đài bèn quyết định tài trợ cho chuyến đi San Jose. Bao trọn gói cho đôi trẻ qua Cali. Từ Copenhagen thủ đô Đan mạch phái đoàn quay phim qua Anh quốc. Rồi bay qua Mỹ. Từ LA có xe van lớn và chuyên viên dụng cụ lái về San Jose. Trong tay cô gái chỉ có tên người cha Đặng kim Nhật. Không có địa chỉ, không có điện thoại. Không biết cha của cô có còn ở San Jose hay không. Không có hình ành. Không có 1 tin tức gì để tìm dấu vết. Kim Nhật không biết có ở trong quân đội hay không. Chẳng biết thuộc hội đồng hương nào. Không biết sinh hoạt ra sao? Trong mấy ngày qua cô được lên Radio, báo chí, truyền hình vùng San Jose phỏng vấn. Tham dự các buổi họp mặt, trong đó có cả các chương trình của phó thị trưởng Madison. Chưa có kết quả.


Họp mặt tại Museum.
Phái đoàn TV từ Đan mạch qua đã lên chương trình đem cô Nhã Uyên và cậu vị hôn phú đến thăm viện bảo tàng Thuyền nhân tại San Jose. Năm trước đã có  phái đoàn từ vương quốc nầy qua thăm nên về kể chuyện lại. Cô giám đốc của TV Đan mạch muốn Nhã Uyên đến với viện Bảo tàng để có thể cảm nhận hoàn cảnh của cha mẹ cô đã trải qua trên biển cả.
Và những xúc động quả thực đã dâng tràn trên khuôn mặt cô gái trẻ Việt Nam, dù ngày nay cô đã nhuộm tóc vàng theo truyền thuyết như các nàng tiên cá trên các bờ biển Đan mạch.
Đứng trước bức hình phối hợp thống kê và nghệ thuật của 20 năm lịch sử thuyền nhân có các con đường vượt biển, các trại tỵ nạn trên biển Đông, cô Nhã Uyên nói rằng. Năm 12 tuổi mẹ kể đầu đuôi. Cha không biết từ trại nào chuyển qua Phi đã  2 năm thì mẹ đến. Hai người quen nhau cuối năm 90.  Đến 1991 bé Nhã Uyên ra đời. Con gái được 5 tháng thì cha mẹ chuẩn bị thành hôn, ghép hộ, làm đám cưới.
Nhưng rồi cha được nhận vào Mỹ. Mấy người anh em của cha giục giã lên đường. Có thể áp lực từ gia đình, có thể chính người cha sau nhiều năm đợi chờ mệt mỏi nên vội vã bỏ lễ cưới. Mẹ kể cha đến thăm mẹ lúc con 5 tháng. Rồi từ đó chia tay. 12 năm sau con gái nghe mẹ kể lại đoạn trường.
Trên đất Đan Mạch mẹ lấy chồng 3 lần, sanh ra 3 em trai và bây giờ bà ở một mình. Con chim Đa Đa Saigon ngày nay, chồng xa chẳng có, chồng gần cũng không. Còn phần người cha, nghe nói ở San Jose có về Việt Nam cưới vợ 2 lần. Nhưng lần đầu đổ vỡ nên mới có lần thứ hai. Sau đó ra sao, Nhã Uyên không biết. Chuyến vào thăm Museum tình cờ có nhiếp ảnh viên vui tính Huỳnh Minh Nhật đi theo vừa chụp hình vừa quay phim phóng sự.  Chụp được pô nào là ghé máy cho các tài tử coi hình tại chỗ. Khi cô gái nói thích bài chim Đa Đa là nhiếp ảnh gia cất tiếng hát liền.
Có con chim đa đa nó đậu cành đa
Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa
Có con chim đa đa hót lời nỉ non
Sao em nỡ lấy chồng từ khi tuổi còn son
Cậu hôn phu Đan Mạch của Nhã Uyên vừa là hộ tống, vừa là phu khuân vác, vừa là hầu bàn đi theo vợ chưa cưới suốt lộ trình. Khi dẫn phái đoàn vào ăn trong khu bình dân ở Century Mail, anh chàng này khoanh tay đứng gác cửa. Sợ không an toàn hay nàng sẽ đi mất tiêu vào cộng đồng Việt Nam mà không trở về Đan mạch. Anh chàng mua thử ly nước mía mà cậu gọi là nước cây tre. Xem ra không uống nước được cứ phải cầm tay xuốt lộ trình, không biết đổ đi đâu.
Thật may mắn là cả 2 cô cậu này nói Anh Ngữ thông thạo mặc dù chỉ học từ trung học có 5 giờ 1 tuần.
Cô giám đốc chương trình TV Đan mạch nói rằng chỉ còn 2 ngày nữa ở San Jose. Xem chừng không tìm được anh chàng Đặng kim Nhật tuổi chừng 50. Hơn 20 năm trước từ Phi đi Mỹ. Vợ chưa cưới và con gái đi Đan mạch. Nếu không gặp nhau bây giờ thì sau này mà tìm thấy, đài TV sẽ rước ông qua Đan mạch gặp lại con gái.
Đứa con gái Việt Nam, năm nay 21 tuổi, nói được 3 thứ tiếng. Nhuộm tóc vàng nhưng vẫn còn thông thạo Việt ngữ. Cô sẽ mong trở thành diễn viên nhẩy múa đi trình diễn khắp thế giới tìm cha. Tôi nói, con viết tiếng Việt cho bác xem chữ nghĩa ra sao. Cô hỏi lại. Con viết gì đây. Viết 1 câu cho mẹ, 1 câu cho ba, 1 câu cho Việt Nam và 1 câu cho Museum Thuyền nhân.
Nhã Uyên viết như sau.
Viết cho mẹ : Con thương mẹ nhiều lắm.
Viết cho ba : Con muốn gặp mặt ba một lần cuối trong đời.
Viết cho Việt Nam : Con luôn luôn là con gái Việt Nam.
Viết cho bác Lộc. Con thích Museum lắm.
Khi viết cho trang kỷ niệm của Viện Bảo tàng bằng Anh ngữ, cô Uyên viết dễ dàng và dài hơn. Đại ý qua hình ảnh và di vật cô hiểu rõ về Thuyền nhân và hoàn cảnh của cha mẹ. Mỗi bức hình, mỗi di sản đều là 1 câu chuyện về chiến tranh, biển cả, thuyền nhân, tỵ nạn, sống và chết. Tất  cả đã gây cảm xúc lớn lao cho Nhã Uyên 21 tuổi đến từ Đan mạch.
Và bây giờ trở lại câu chuyện. Nhã Uyên nói : Sao ba lại bỏ con. Bỏ mẹ còn được, bả lấy chồng khác. Bỏ con làm sao con có cha khác. Ba sau này là ba của các em con.
Ông bà nào biết Đặng kim Nhật  ở đâu, xin chỉ cho cháu. Xin gửi về uyenwonder@hotmail.com .Có thể viết bằng tiếng Đan mạch, Anh ngữ hay Việt ngữ.
Cũng có thể gọi cho chúng tôi 408 316 8393

1 comment: