Tuesday, October 23, 2012

Hãy làm sự này để nhớ đến ta

eucharist

Hãy làm sự này để nhớ đến ta ...
(Luca 22: 19)

Theo tôi nhớ cứ cách vài tháng vào ngày sa-bát Hội thánh CĐPL Phú nhuận có tổ chức cho các thành viên lễ Rửa chân và Tiệc Thánh, một nghi thức giúp những người đã đầu phục Chúa nhớ lại đức khiêm tốn của chủa Chúa Giê-su khi Ngài hạ mình rửa chân cho các môn đồ và kỷ niệm sự thương khó của Đấng Cứu Thế khi lập lại cho hội chúng làm những điều mà Chúa đã căn dặn khi Ngài sắp rời thế gian, ‘Hãy làm sự này để nhớ đến ta’ (Luca 22: 19).
Cứ mỗi làn có sự kiện này, không khí sinh hoạt thờ phượng như rộn rã hẳn lên, các bà chấp sự lo các thau nuớc, khăn khô, các thanh niên lo sắp đặt ghế bàn trang trí đơn giản nhưng ấm cúng cho hội trường nhỏ  diễn ra lễ rửa chân. Các bài hát thánh ca được ca đoàn và tín đồ tự động tham gia chuẩn bị đồng ca khi tiến hành nghi thức. Bên trong nhà thờ không gian như trang trọng và yên ắng hon. Một bàn dài phủ khăn trắng có thêu hang chữ, màu đỏ  ‘Hãy nhớ đến Ta’ cùng các khay bạc sáng loáng đựng đầy  bánh khô  và nước nho  tượng trưng cho thân  và huyêt của Chúa Giê-su..Trên màn nhung lớn phủ bức tường ngay chính diện nơi tòa giảng nổi bật hàng chữ, Hãy làm sự này để nhớ đến ta (Luca 22:19).
Sau giờ bài học Sa-bát, các học viên tề tựu nơi phòng rửa chân. Lúc này tôi đang là học viên lớp giáo lý dành cho những người chuẩn bị làm phép báp-têm. Trong không khí phấn khởi lần đầu được thamm dự một nghi thức khá độc đáo mà tôi chưa từng nghe nói ở những đạo khác, một ông chấp sự tôi quen chạy đến phía tôi đon đả bảo để ông  rửa chân cho tôi. Vừa cởi vớ chuẩn bị nhúng chân vào thau nước, một giọng cất lên từ máy vi âm nghe như tiếng của mục sư dạy giáo lý lớp tôi, ‘xin mời ông Đỗ xuân Thảo tạm lên chờ ở phòng mục sư, vì nghi thức rửa chân chỉ dành cho người đã làm phép báp-têm’. Tôi chưng hửng rút chân ra, đi vớ lại, cám ơn ông chấp sự rồi lặng lẽ ra khỏi phòng. Về sau nghe đâu có ai đó nhìn thấy tôi, biết tôi là tín đồ mới nên đã báo cho mục sư ngăn lại.
Chuyện thì cũng là bình thường, chẳng ai có ý làm ‘bẽ’ mặt mình, nhưng tôi thầm nghĩ lẽ ra chức viên nhà thờ  nên trao đổi với ông chấp sự và nói nhỏ với tôi thì …hay hơn là công bố tên tôi cho cả phòng về sự cố này.. Lại nữa theo người nhà tôi cho biết đôi khi có vài khách viếng cũng làm như tôi nhưng chẳng ai bị nhăc nhở sợ họ mất lòng. Trùng họp lúc này tôi là người mới ở trại cải tạo về, đang cảnh phó thường dân còn bị quản chế theo dõi nên sự quan tâm của bà con trong Chúa  phần nào có e dè hạn chế.
Ngồi chờ trong phòng  mục sư thời gian cũng không lâu vì cũng sắp sang phần nghi thức Tiệc Thánh, tôi định bỏ ra về, vì thú thực tự nhiên trong lòng do mặc cảm nên thấy có gì như nỗi thất vọng không tên. Nhưng con gái tôi vội đi kiếm tôi vì nó hỏi các thanh niên rửa chân bên phòng nam. Nó ngăn ý định của tôi và bảo tôi cứ tiếp tục vào nhà thờ tham dự. Nó cũng báo trước nghi lễ dùng bánh và nước nho cũng không dành cho những người chưa qua nghi thức báp-têm và khuyên tôi cứ ngồi yên khi những người khác đứng dậy tiếp nhận thức ăn thuộc linh mang tính tượng trưng. Vừa nể con, vừa thấy mình cũng trẻ con, tôi tham dự phần còn lại của phiên nhóm trong lòng không có sự phấn khởi như ban đầu..
Lúc này không khí thờ phượng trong nhà thờ như trang nghiêm hẳn lên. Hội chúng được nghe một bài giảng ngắn về ý nghĩa sự thương khó của  Đức Chúa Giê-su và mục sư giảng luận không quên nhắc nhở mỗi người nên lắng lòng mình, tự kiểm lại vấp phạm trong thời gian qua, tự nguyện ăn năn xin Chúa tha tội và chuẩn bị đi vào phần thông công ăn bánh uống chén sao cho xứng đáng với ân điển của Chúa. Nhìn cung cách nghiêm túc và hưng phấn của những tín đồ qua nghi thức thiêng liêng khi tiếp nhận bánh và nuớc nho từ tay các chấp sự, tôi cảm thấy mình như kẻ ngoại đạo trong  tâm trạng lạc lõng khi không được cùng những người anh em đồng đức tin tuyên xưng niềm ăn năn trước Chúa trong nghi lễ mà lúc sắp về trời Chúa đã phán con cái Ngài nên làm điều này để nhớ đến Ta.
Tuy vậy,.bữa ấy trên đường về nhà, đạp chiếc xe đạp cũ lòng vẫn còn lấn cấn, một phần do đức tin còn yếu thường thấy ở những kẻ khi mới đến với Chúa, phần thì vẫn chưa quen với lối nhắc nhở thiếu tế nhị của chức viên nhà thờ.  Nhưng với sự động viên của gia đình khuyên tôi coi đó như chuyện nhỏ, cái quan trọng là tiếp tục đi nhà thờ, bồi dưỡng giáo lý và sớm làm phép báp-têm. Một khi trở thành tín độ thực sự thì những quyền căn bản được tham gia các nghi thức thuộc linh theo giáo luật cho phép trở thành bình thường chẳng bị ai ngăn cản cấm đoán.
Cũng nhờ quyết tâm muốn trở thành con cái thực sự của Chúa, bản thân tôi đã có sự chuyển đổi trong cung cách tìm về với Đấng Cứu Thế, cứ nhìn Chúa mà bước đi như vợ tôi căn dặn, hãy nhìn chung quanh ai cũng là con người khi đến nhà thờ cũng giống như con bệnh đến nhà thương, nhân vô thập toàn, chỉ có Chúa mới là Đấng toàn thiện, toàn tri, toàn mỹ.
Cứ nghĩ như vậy tôi trưởng thành dần trong Chúa và chỉ mấy tháng sau tôi có tên trong danh sách bảy người được tiếp nhận báp-têm. Điều đáng nói là ngoài sư khuyến khích từ gia đình và bà con tín đồ cùng cư xá, tôi còn được sự ân cần chỉ dẫn giáo lý của ông mục sư đã réo tên tôi trong lần hụt tham gia nghi thức  Rửa chân vài tháng trước đó.
 
Đỗ Xuân Thảo





No comments:

Post a Comment