Đỗ
Xuân Tê
Lời người thực hiện: Cơ duyên đưa tôi đến với nhà thơ Trần Nguyên Đán có lẽ do ông tâm đắc với những lời bình của tôi về bài phỏng vấn trên Da
Màu trùng thời điểm nhà thơ vừa mới hạnh
ngộ với tạp chí van học này. Chẳng biết nên gọi ông là nhà thơ
hay nhà văn, vì tuy sở trường về thơ (đã xuất bản hai tuyển tập) nhưng những
trang văn xuôi của ông (đoạt giải Việt Bút của Việt Báo) cũng có thể xếp vào
hàng cao thủ. Ông hiện là mục sư quản nhiệm tại Hội Thánh Fort Worth/Dalllas,
bang Texas.
***
Đỗ Xuân Tê: Thưa anh Trần Nguyên Đán, được trò chuyện với anh là một niềm vui và là một
duyên văn nghệ khi lần đầu tiên được hạnh ngộ và trao đổi trực tiếp thay vì chỉ
giao lưu bằng những lời bình qua các trang mạng online. Tôi biết anh cũng không
có nhiều thì giờ vì ngoài thời gian sáng tác anh còn bận một công việc mà tính
chất đa chiều đa đoan của nó (mục sư quản nhiệm) còn tất bật hơn cả một nghiệp
vụ full time. Cho nên ta đi thẳng vào vấn đề.
Trước hết ta nói về lãnh vực thơ (xin lướt qua vì
không thích hợp với trang nhà)*
...Đến đây tôi muốn chuyển cuộc trò chuyện
hiếm hoi này sang một đề tài hay nhân vật khác, mà hình như trong hành trình
sáng tác của anh, lúc ẩn lúc hiện, lúc tế nhị kín dấu, lúc thẳng thắn công khai,
anh hay nhắc đến một Người anh tin yêu, một Đấng anh tôn kính và hầu việc, tôi
muốn nói đến Chúa Jesus, một nhân vật mà chính tôi cũng quý và coi Người như
thiết hữu. Vì vấn đề nhạy cảm liên quan đến tín ngưỡng, mà dù cho có diễn đàn
chủ trương ‘không biên giới’ nhưng người ta cũng ngại khi gặp những quan điểm
hoặc bài viết cổ súy cho một tôn giáo hoặc một vị giáo chủ nào đó, dù lồng
trong khuôn khổ của sinh hoạt văn học, dù vị đó là Đấng Chí Tôn cha chung của
muôn loài vạn vật. Vậy tôi hỏi ý anh trước anh có ngại đề cập đến lãnh vực này
trong cuộc trò chuyện hôm nay và nếu được ta cùng chia sẻ với độc giả.
Trần Nguyên Đán: You got it. Tôi chưa bao giờ thấy ngại khi nhắc đến Jesus của tôi. Đó
là một người mà tôi kính phục, yêu quý nhất trên đời này, một kinh nghiệm độc
đáo cá nhân mà chẳng phải ai cũng có được. Tôi chẳng dấu giếm rằng tôi có ý định
Vẽ Lại Chân Dung Chúa Jesus cho cuộc đời vì thấy người ta đã hiểu lầm Ngài quá
nhiều và thậm chí còn “không thiện cảm” với Ngài mà chẳng có “căn cứ” gì cả (cười).
Tôi cũng không hề dấu giếm rằng tôi giống như một cầu thủ đang lừa banh (lừa
hoài mà hàng phòng vệ dàn kín quá không kẽ hở nên đá không vào) tôi đi vào thế
giới văn chương và tìm kẽ hở đưa Jesus trở lại thế giới văn chương, vì tôi thật
sự thấy rằng nếu có Jesus ở trong văn chương thì văn chương sẽ nở một bông hoa
đẹp khác, nhưng cho tới giờ này vẫn chưa thực hiện được điều ấy. Người ta nói
nhiều về Jesus mà chưa từng nói chuyện với Ngài hay ít nhất nhìn rõ mặt Ngài.
Tôi hơi ngạc nhiên (thật vậy) vì cho dù bây giờ người ta đã leo lên những bậc
thang rất cao của trí tuệ, người ta vẫn giữ sự thiên kiến về tôn giáo, không
nhiều thì ít. Với sự hiểu biết (cạn cợt)
của tôi, Jesus khi từ trời xuống thế gian thì là một con người như tất cả mọi
người, sống như người nên hoàn toàn cảm thông với người. Jesus không phải là một
tôn giáo. Ngài chưa bao giờ “bắt buộc” ai, Ngài chỉ đưa tay ra “gõ cửa”, mời
người ta bước vào căn nhà của Ngài. Thiền sư Nhất Hạnh có nói câu này mà tôi rất
thích: Muốn leo lên nấc thang trên, phải nhấc chân khỏi nấc thang dưới. Tôi
cũng thấy rằng Kinh thánh là một hình thức của văn chương (không biên giới), vì
nếu ai đã từng đọc Kinh thánh thì không thể phủ nhận rằng Kinh thánh có những
tác phẩm tuyệt vời về văn chưong chưa và sẽ không bao giờ bị mai một. Đó là Thi
thiên, Châm ngôn và đặc biệt là Nhã ca…. Anh có cho phép tôi trích một vài câu
từ Nhã ca không? Hỡi gió bắc, hãy nổi dậy, hỡi gió nam, hãy thổi đến. Hãy thổi
trong vườn tôi, hầu cho các mùi thơm nó bay ra. Đó là Nhã ca đoạn 4 câu 16 phần
a. Há chẳng phải là một câu thơ rất đẹp hay sao?
Đỗ Xuân Tê:
Vừa mới gợi ý mà anh như người bắt được mạch suy nghĩ của tôi đã thổ lộ
không cần rào đón tâm tình và suy nghĩ của anh về Chúa Jesus. Vậy ta nên đi sâu
hơn về nhân vật này và tất nhiên cũng không thể không đề cập đến cuốn Sách người
ta hay gọi là Kinh Thánh, mà website Hội nhà văn Việt nam vốn dị ứng với những
vấn đề tôn giáo cũng phải cho đăng một bài của dịch giả Nguyễn Hải Hoành công
nhận “cuốn sách gối đầu của hơn một tỷ tín đồ và được cả thế giới xuất bản với
số lượng nhiều nhất nhưng chưa từng thấy bán ở các hiệu sách nước ta”, và nhìn
nhận nó như “như một tác phẩm văn học đồ sộ, di sản văn hóa quí báu của nhân loại
trở thành nguồn trích dẫn, cảm hứng cho nhiều triết gia, nhà văn nhà thơ lỗi lạc
thể hiện qua các tác phẩm kinh điển, các trước tác bất hủ bất kể duy tâm hay duy vật, phương Đông hay
phương Tây trải qua nhiều thế đại”. Có một
điều tôi xin thố lộ là một số anh em chúng tôi khi đi tù cải tạo do hụt hẫng phần
tâm linh nên đã tìm đến Đấng Chí Tôn và Chúa Jesus qua cuốn sách này (được gia
đình gửi chui và qua mặt cán bộ bằng ấn bản tiếng Anh nói với họ là tiểu thuyết
Liên xô). Đúng như anh nói, chúng tôi đã tiếp cận và chuyền tay nhau ba tác phẩm
anh vừa nêu, sau này khi ra trại đọc bản văn tiếng Việt do Phan Khôi, một dịch
giả Kinh thánh vừa kết hợp tài thi ca và kiến thức thâm Nho của ông đã làm
thăng hoa ý thơ trong Cựu ước ta mới thấm hết cái tinh túy của toàn tập. Trở lại
hình ảnh của Chúa Jesus, tôi chưa có sự đồng thuận với anh khi anh cho Ngài bị
người đời hiểu lầm, thậm chí không có thiện cảm với Ngài. Tất nhiên nhìn lại lịch
sử hai ngàn năm truớc khi Chúa mới đến trần gian, người ta có hiểu lầm Ngài,
ngược đãi Ngài và cuối cùng bức hại Ngài, nay ở thời điểm sau 2000 năm, tôi
nghĩ người ta có hiểu lầm hay ác cảm có thể là vì ‘cái đạo của Ngài’, mà người
gây ra không phải là Ngài mà lại do những người hầu việc và tín đồ của Chúa. Vậy
xin anh theo yêu cầu cá nhân của tôi và có thể cũng có một số độc giả quan tâm,
xin anh cứ thẳng thắn lý giải vì sao lại có sự ngộ nhận đáng tiếc này, trước
khi ta đề cập đến tham vọng của anh muốn dùng hình thức văn học để “vẽ lại chân
dung Chúa Jesus”.
Trần Nguyên Đán: Website Hội Nhà Văn Việt Nam có câu đó hả
anh, tôi không biết. Ít ra cũng nên dành cho Jesus (và Kinh thánh) một chỗ đứng
công bằng. Mình hay đòi “fair”, kiện cáo về vấn đề “unfair”, thì cũng nên
“fair” với Chúa Jesus một chút nhỉ? Về vấn đề “không thiện cảm” với Jesus, trước
hết tôi xin lỗi nếu có dùng chữ hơi “quá” kiểu ăn nói quá đà của một người làm
thơ. Tôi hoàn toàn đồng ý với anh rằng một phần lớn chính là vì những sứ đồ và
môn đồ của Chúa Jesus qua bao năm đã làm “trôi dạt” chân dung thật sự của Ngài,
tôi thông cảm cho những người “không thích” Chúa Jesus. Chúa Jesus ít nhất có
hai lần (mà tôi đã đọc) nói rằng chính vì cách sống của những người theo Ngài
mà Ngài đã bị thế gian phê phán, một câu có ý nghĩa tích cực (positive) và một
câu có ý nghĩa tiêu cực (negative). Câu positive ta ban cho các ngươi một điều
răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau, như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì
các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều
đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.., và câu negative là vì
(cách sống của) các ngươi nên danh ta bị nói phạm giữa vòng dân ngoại… Đây cũng là những bài giảng mà rải qua thời
gian, những Mục sư cố gắng đem đến cho tín đồ, khuyên răn, kêu gọi họ hãy sống
đúng với lời dạy của Chúa để người ta nhận ra mình là môn đồ của Ngài và đừng để
cho danh Ngài bị nói phạm. Nhưng Cơ đốc nhân cũng là người, dù đã theo Chúa, họ
vẫn đang trên đường chạy, chưa tới đích, còn chạy thì còn có thể vấp, hay
té. Paul (Phao-lô)đã nói y hệt thế. Họ đang cố gắng để trở thành (với sự giúp sức
của Chúa), chứ chưa trở thành. Tuy nhiên tôi cũng suy nghĩ rằng trong số những
đứa con của chúng ta cũng có đứa này đứa khác, đứa tốt nhiều đứa tốt ít và có
thể có đứa không tốt, chẳng thể nào nhìn đứa không tốt mà kết luận rằng cha nó
xấu. Với lại, trong khoảng 2 tỉ Cơ đốc nhân hiện nay trên thế giới (đây là con
số tôi xem thống kê trên google), mà có khoảng 1 triệu người chưa được tốt, thì
tại sao không nhìn 1 tỉ chin người tốt để khen mà lại cứ nhìn một triệu người xấu
để chê (cười). Xin nghĩ lại cho Chúa Jesus.
Đỗ Xuân Tê:
Xin ghi nhận những nhận xét chí lý của anh. Bây giờ ta mới đi vào cái trăn trở khi anh muốn
dùng hình thức văn học mà anh trong tư cách vừa là người nghệ sĩ vừa là người
‘tu sĩ’, hai mẫu người trong anh sống chung rất hài hòa như anh nói, vậy anh có
thể hé lộ anh sẽ thực hiện việc vẽ lại chân dung Chúa như thế nào, bao giờ anh
làm, và khó là sẽ tìm diễn đàn nào chuyển tải cho anh?
Trần Nguyên Đán: Tôi thú thật là chưa biết khi nào, và sẽ làm như thế nào, vẫn
cứ như một cầu thủ đá banh dò dẫm.Tôi hiểu các Tạp chí văn chương chỉ dành cho
những gì thuộc về văn chương. Bài giảng thì ở trong nhà thờ. Từ đó tôi suy nghĩ
lại cách tôi sẽ đưa Jesus vào cuộc đời và thế giới văn chương, bằng văn chương
chứ không bằng bài giảng, sẽ để Ngài xuất hiện cách bình thường tự nhiên không
gò bó, Jesus vốn tự do không gò bó. Ngài thích thế. Jesus sẽ đến dưới đôi mắt và đôi tay của một
người đã từng nhìn thấy Ngài và rờ đụng Ngài. Tôi vẽ lại chân dung Ngài bằng
chính kinh nghiệm riêng của tôi. Tôi thấy thế nào thì tôi vẽ thế ấy.
Ngoài ra tôi còn có một “project” khác là tháng 5 này tôi sẽ về quê, không
phải quê tôi, tôi muốn tận mắt nhìn thấy một chân dung khác của Chúa Jesus để vẽ
lại, đó là việc Ngài đã làm cho những người mà xã hội đã từ bỏ, những người đàn
ông nghiện ma túy, những người đàn bà mãi dâm, những người ở trong song sắt nhà
tù, nhưng Chúa Jesus đã đi vào tận nơi, chữa lành họ, phục hồi họ, đưa họ trở lại
cuộc đời bằng một đời sống mới. Thay vì đưa những ống chích vào mạch máu, họ
giơ tay lên ca hát. Tôi hy vọng sẽ viết một truyện dài (việc tôi chưa bao giờ
làm), một tiểu thuyết về cuộc đời của những người này, để mọi người (những người
nào đọc) sẽ thấy một hình ảnh đầy nhân bản, rất người, rất mạnh mẽ quyền năng
và nồng nàn tình yêu của Jesus.
Đỗ Xuân Tê: Tôi tin là anh sẽ tìm ra cách chuyển tải
và những người phụ trách bìên tập họ sẽ cảm thông, miễn là đừng dưới hình thức…bài
giảng (cười). Cũng chuyện tìm về đức tin, xét cho cùng là quyền tự do chọn lựa, chẳng ai ép buộc được
ai, đã qua rồi cái thời con đạo cha cháu đạo dòng, mà thường do một cơ duyên
nào đó theo suy nghĩ của tôi. Cứ đan cử hai ông nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như
Hà Thượng Nhân và Phan Khôi, trong khi một người dạy trường đạo cả mấy chục năm
đến tuổi 90 mới ngộ ra “Xin Chúa Dắt Chúng Con Đi” (bài thơ cuối đời) và chịu lễ
quay về với Chúa, trong khi ông cụ người Quảng của tôi, có quê là mảnh đất tiếp
nhận những hạt giống Tin lành đầu tiên và đã dịch cả ngàn trang Kinh Thánh mà
ông coi là ‘tân thư’ khiến cho nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông vì nhờ nó mà
họ được học, được đọc, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu Thế bằng ngôn ngữ mẹ, thì lại lặng lẽ trở về lòng
đất theo sau là bà cụ và khoảng mười người kể cả phu đòn với nìềm tin riêng của
mình. Cho nên cũng xin cám ơn anh, chúng
ta đã trao đổi khá thẳng thắn về một lãnh vực khá nhạy cảm, dễ tranh cãi và khó
có sự đồng thuận nhưng cũng rất thú vị, bất chợt làm tôi nhớ lại có lần tặng
anh một bài thơ trong ý ẩn dụ của một người mang tâm trạng cô đơn muốn tìm về với
Chúa, trong đó có mấy câu,
tôi là người tự do
tôi có quyền chọn lựa
tôi có thể vô nhà thờ này
tôi có thể đi chỗ khác
vậy xin Ngài
hãy nói gì với tôi
(‘Tôi cần Ngài’, đxt)
với tư cách người hầu việc Chúa và có
kinh nghiệm đưa nhiều người về với lẽ thật, vậy xin anh có thể dự đoán là Chúa
Jesus sẽ ‘nói gì với tôi’.
Trần Nguyên Đán: Như vậy
là anh bắt tôi “đóng vai” Chúa Jesus rồi. Nhưng không sao, tôi đã học thuộc
lòng “vai diễn” này, từ chính trong Kinh thánh (xin vui lòng hiểu rằng tôi dùng
những từ này trong lãnh vực văn chương, không hề có hàm ý xúc phạm Đấng Chí Cao
khi dùng chữ đóng vai hay vai diễn) Tôi chẳng nói rằng tôi hiểu hết Ngài, vì chẳng
ai có thể hiểu hết Ngài cho đến khi gặp Ngài mặt đối mặt, nhưng điều gì tôi hiểu
(và biết rằng nó đúng) thì tôi nói. Tôi
“thay mặt” (cười) Chúa Jesus trả lời câu hỏi của anh nhé. Trong tư cách là một
“tu sĩ” (thật ra chẳng có tu gì hết cả đâu) thường giảng dạy, mà giảng dạy thì
hay phải phân tích, suy diễn, làm rõ, tôi phân tích đoạn thơ của anh có hai ý,
thứ nhất là hai câu đầu: tôi là người tự do, tôi có quyền chọn lựa. Đây là cách
nói của những người chưa biết Jesus. Đúng vậy, Kinh thánh cho biết rằng Đức
Chúa Trời đã ban cho con người có quyền tự do lựa chọn, lựa chọn niềm tin, lựa
chọn cách sống. Kinh thánh có rất nhiều đoạn nói về sự tự do (không phải tự do
làm tất cả mọi điều, nhưng tự do để làm những điều tốt mà không bị tội lỗi ngăn
cản) Hệ thống định vị GPS, hay Mapquest, chỉ đường đúng cho người ta đi, nhưng
người ta có quyền tự do nghe theo hay không, đi lạc người ta chịu trách nhiệm.
Hai câu sau tôi có thể vô nhà thờ này tôi có thể đi chỗ khác là câu nói của một
con chiên đã ở trong chuồng nhưng không vừa ý chuồng đó muốn đi chuồng khác,
tùy ý (tự do mà) nhưng cứ thay đổi chuồng hoài thì mình cứ mãi lạc loài không
nơi nương tựa, cô đơn ngay chính trong gia đình mình. Còn hai câu cuối vậy xin
Ngài hãy nói gì với tôi thì Jesus sẽ nói rằng con ơi ta yêu con lắm, con hãy đến
với ta, đừng chọn “lung tung”, đừng đi “lung tung” nữa (cười)
Đỗ Xuân Tê:
Anh phân tích khá sâu mà ý của tôi không hẳn kỳ vọng nhiều như vậy, dù
sao qua anh tôi đã hiểu được ý Ngài muốn nói gì với tôi. Lẽ ra câu chuyện kết thúc ở đây, nhưng tôi muốn
nói thêm một điều với người ‘tu sĩ có tâm hồn thi sĩ’ là hiếm thấy một người sống
thật với mình khi vừa soạn bài giảng lại quay sang làm thơ (tên một bài thơ đã
đăng). Một lần nữa xin cám ơn anh. Chúc anh thành công trong cả hai thiên chức
của mình và có dịp ta sẽ quay lại để cùng trao đổi chuyện chữ nghĩa & tâm
linh.
Đỗ Xuân Tê
(Easter 2012)
(*) nếu xem nguyên bài xin vào trang van học tiềnvệ.org
No comments:
Post a Comment