Tuesday, October 23, 2012

Khi Chúa dùng người & Phao-lô được chọn



Đỗ Xuân Thảo

Nhiều nhân vật trong Kinh thánh được kể là công cụ của Chúa khi Ngài cần thực hiện cho một kế hoạch, chương trình, hay sứ mạng nào đó cho con cái của Ngài vào những thời điểm khác nhau, đặc biệt trong những biến cố dẫn đến sự thịnh suy của các triều đại thời các vua của dân Giu-đa hoặc qua các giai đoạn thử thách nghiêm trọng của hội thánh Chúa trong thời kỳ tiên khởi. Nổi bật trong những người này phải kể  là các tiên tri trong Cựu Ước và các sứ đồ trong thời Tân Ước. 
Nói về các sứ đồ được Chúa Giê-su đích thân chọn lựa và kèm cặp người ta không thể phủ nhận vai trò đầu đàn của Phi-e-rơ cùng 11 sứ đồ được Chúa gọi đi trong đợt đầu tiên kể cả người trẻ nhất được Chúa yêu thương theo cách riêng là sứ đồ Giăng. Trừ Giu-đa sau này thành kẻ phản Chúa, các tôi tớ còn lại đã hoàn thành sứ mạng được giao, nhiều người trong số họ được kể là vĩ đại, tất nhiên những thử thách gian nan cũng đến với họ kể cả chịu chết  để tử vì đạo và tù đầy hi sinh cho lẽ thật.
Trong cách dụng nhân,  bình thường Chúa hay chọn trong số những môn đồ tin kính, quyết tâm theo Chúa và sẳn sàng bảo vệ cho đạo pháp của Ngài. Nhưng trong thời Tân Ước, người ta chú ý đến một cách dùng người của Chúa  lại không xảy ra như lệ thường.
Trong bối cảnh Chúa Giê-su đã trở về  trời, hội thánh Chúa đầu tiên trên đất đang hồi gặp cơn thử thách gay go, phe Pha-ri-si và các thầy tế lễ đầu sổ của Do-thái ra sức tàn diệt hội thánh còn non trẻ.  Một trong số những kẻ tham gia vào chiến dịch gây điêu đứng cho các môn đồ và tín đồ theo Chúa phải kể đến một người ở thành Giê-ru-sa-lem  có tên Sau-lơ. Tên ông trở thành hung thần không phải chỉ ở thành này mà lan ra cả các xứ quanh bờ Địa Tung Hải trải dài tận thành Đa-mách. Tội ác lớn nhất và mới nhất là ông đã dính líu vào cảnh ném đá dẫn đến cái chết của sứ đồ Ê- tiên.
Ấy vậy mà Chúa đã dùng ông theo các riêng của Ngài. Chúa đã chọn ông để lấy độc trị độc, hay lấy độc giải độc theo cách nói của người thường. Chúa đã sử dụng một kẻ chống Ngài để quay về đầu phục Ngài rồi phục vụ đắc lực cho Ngài, để  sau này khi trở thành sứ đồ, Phao-lô được kể là một trong những sứ đồ vĩ đại của thời kỳ tiên khởi. Ta thử đi sâu về nhân vật này, xem lý lịch ông là ai, trong trường hợp nào ông trở lại đạo, và rút ra được bài học gì sau sự kiện Đa-mách? 
Cứ theo Công Vụ các Sứ đồ, nếu nói về dòng dõi Phao-lô  là dòng Y-sơ-ra-ên, người Hê-bơ-rơ, chi phái Ben-gia-min.Về giai cấp thuộc phe Pha-ri-si, giới thượng lưu nắm các chức sắc lớn trong giáo quyền và công quyền. Về học thức, ông rất giỏi về luật và có tài hùng biện, là học trò của Ga-ma-li-ên, một giáo sư luật nổi tiếng thành Giê-ru-sa-lem. Về địa vị đang là ngôi sao đang lên, được các giới quyền thế trao cho các chức vụ trọng yếu khi tuổi đời mới trên dưới 30. Về công trạng được kể là người có công đầu trong công tác triệt hạ hội thánh tiên khởi, kể cả việc sát hại một sứ đồ của Chúa.(thánh đồ Ê-tiên).
Một người có thân thế đại gia và sự nghiệp sáng chói  như vậy thì khó mà có thể từ bỏ hàng ngũ để dấn thân vào con đường chông gai nhằm cổ  vũ và bảo vệ cho lẽ thật, vậy trong trường hợp nào, ông được Chúa gọi và Chúa đã nói gì với ông trên con đường đi đến thành Đa- mach để lo chuyện bắt bớ, thì tốt hơn ta hãy nghe nguyên văn lời Phao-lô thuật lại,
Vả, lúc tôi đương đi đưòng, gần đến thành Đa-mách, độ ban trưa, thình lình có ánh sáng lớn, từ trên trời giáng xuống, soi sáng chung quanh mình tôi. Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng phán cùng tôi rằng,: Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, làm sao người bắt bớ ta? Tôi trả lời rằng: Lạy Chúa, Chúa là ai? Ngài phán: Ta là Jêsus ở Na-xa-rét mà người đương bắt bớ đây. Những kẻ đi với tôi thấy ánh sang rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi. Tôi bèn thưa: Lạy Chúa, tôi phải làm  chi? Chúa đáp rằng: hãy chờ dậy, đi đến thành Đa-mách, ở đó người ta sẽ nói mọi đều đã truyền cho ngươi làm…

Nếu đọc ngược lại chương 9 (Sách Công Vụ)  ta sẽ thấy Chúa làm  việc một cách lạ kỳ, cụ thể mắt Sau-lơ vừa bị làm  mù nay được sáng,lại, được cho làm phép báp-têm, được  Chúa phán dặn trực tiếp, ‘Hãy đi, vì ta đã chọn người này làm một đồ dùng ta, để đem danh ta đồn ra trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái Y-sơ-ra-ên; nhưng Chúa cũng cảnh báo một sứ mạng rất gian nan ‘ta sẽ lại tỏ ra cho ngươi biết phải chịu đau đớn vì danh ta.’.
Qua sự kiện Đa-mách, Chúa đã làm phép lạ khi chuyển đổi hẳn bản chất của Sau-lơ, biến ông từ một người bát bớ đạo trở thành môn đồ của Chúa, một kẻ giúp việc Tin Lành. Ngài dùng lòng sốt sắng, nhiệt tình của ông để rao truyền danh Chúa, làm chứng về Đức Chúa Giê-su, dùng sở học, ngôn ngữ của Sau-lơ để biện luận, biện hộ trước các tòa công luận, trước các vua, các kẻ quyền thế về gương hi sinh của Chúa và ân điển cứu rỗi của Ngài. 
Chưa kể bằng kiến thức uyên bác ông trở thành  tác gia của một nửa số sách được viết trong Tân ước (14/27), nếu kể các trang in bằng tiếng Việt trong Tân ứớc, số trang có chấp bút của ông chiếm 1/3 (108/308), không kể gần 40 trang trong Công Vụ các Sứ Đồ đã nói về ông.  Các sách của Phao-lô qua soi dẫn của Đức Thánh Linh đều là những thánh thư soạn ra để khuyên bảo, dục giã, khích lệ con cái Chúa nơi những thành ông đã đi qua cùng các sách nặng phần giáo lý nhằm làm rõ hơn, dễ tiếp thu hơn các sứ điệp và câu chuyện ẩn dụ của Chúa Giê-su khi Ngài còn trên đất.
Khác với những sứ đồ cùng thời, Phao-lô có quyền công dân La-mã, nên được ưu tiên qua các thành, các xứ, không bị hạn chế, không dễ bị bắt bớ như dân thuộc địa, nên chi Phao-lô được Chúa cho xử dụng lợi thế này để tự do đi đây đi đó, và được kể là sứ đồ đi nhiều thành, nhiều xứ nhất trong các sứ đồ thời tiên khởi,mở ra một thế giới mới: thế giới Cơ-đốc, không còn thu hẹp trong phạm vi xứ Do-thái/Giu-đa hoặc vùng Trung đông ven Địa Trung Hải. Chính nhờ mở rộng địa bàn, mà đạo của Chúa được giảng rộng ra cho dân ngoại và mở đường cho Cơ-đốc giáo phát triển trong phạm vi toàn cầu những thế kỷ sau.
Cũng qua câu chuyện Phao-lô được chọn, ta càng thấy cách dùng người đa dạng và lạ lùng của Chúa. Biết đâu chính những kẻ báng bổ chống đạo của Chúa, đang gây khó khăncho công việc phát triển và rao truyền lẽ thật, đang áp bức, kềm kẹp các con cái của Ngài tại một số nơi trên thế giới, đặc biệt ở những nước Á-Phi có khi cũng đang được Chúa âm thầm làm việc để cảm động họ biết quay về đường ngay lẽ thật theo guơng sứ đồ Phao-lô, từ đó góp phần làm nhanh tiến trình cho ngày Chúa trở lại khi lẽ thật được giảng ra khắp đất và được đón nhận bởi mọi sắc dân trên quả địa cầu.

Đỗ Xuân Thảo

No comments:

Post a Comment