Tuesday, October 23, 2012

PHAN KHÔI – người dịch bộ Kinh Thánh



PHAN KHÔI – người dịch bộ Kinh Thánh
Đỗ Xuân Tê

Nói đến Phan Khôi, một danh sĩ đất Quảng Nam, ai cũng biết ông là một nhà Nho duy tân, một nhà Tây học uyên bác, một nhà văn hóa biết hội nhập, một người phu chữ thích làm giàu tiếng Việt, một người suốt đời đi tìm sự thật, thích tranh luận nhưng biết phục thiện, nhưng cũng ít ai biết ông là dịch giả đầu tiên của bộ Kinh Thánh mà về sau được các giáo hội Cơ Đốc chính thống dùng làm tài liệu giáo lý căn bản trong việc dạy dỗ và phổ biến lẽ thật cho các tín đồ và những người yêu Chúa.

Nhìn lại các danh nhân Quảng nam mà đặc biệt là , ‘tứ kiệt Quảng nam’ (Phan châu Trinh, Trần quí Cáp, Trần cao Vân, Huỳnh thúc Kháng), thì Phan Khôi có khuôn mặt đặc thù mang nhiều nét ưu tư khắc khổ. Tất nhiên sinh bất phùng thời trong một thời vận nước nhố nhăng, lại trải qua nhiều năm đi theo kháng chiến cứu nước, con người ông vừa mang chân dung của một thư ký hãng buôn cần mẫn, khiêm tốn, lấy nghề tay trái làm kế sinh nhai, vừa tiềm ẩn nét uy dũng của một kẻ sĩ khí tiết, nghèo không than, bại không nản, bị coi thường không giận, bị xử oan không oán, bị chèn ép không bi phẫn, sống an nhiên tự tại, quyết không khuất phục uy quyền, không đầu hàng trước cái ác, không về phe cái xấu, không thích chốn quan trường, chẳng bon chen nơi thị tứ, mà chỉ đem sở trường sở học chăm làm cái gì đó làm di sản cho lớp hậu sinh. 

Ông cũng là Chủ nhiệm của tờ Nhân Văn, một giai phẩm văn chương nở muộn chóng tàn nhưng để lại dư âm văn học gây nhiều xôn xao qua nhiều thế hệ người đọc. Nhờ ông đứng ra chịu trách nhiệm, tờ báo đã qui tụ được nhiều tài năng trẻ, làm cho giai phẩm khởi sắc với những bài thơ đi vào huyền thoại, reo vào lòng người cả hai bên bờ Bến Hải những xúc cảm khôn nguôi. Từ đó, học trò thế hệ tuổi tôi đã say mê những Hoàng Cầm, Hữu Loan, Văn Cao,Trần Dần, Phùng Cung, Phùng Quán... để khi quần chúng nhắc đến Nhân Văn-Giai Phẩm, tên tuổi Phan Khôi đã gắn liền với phong trào Trăm hoa Đua nở, rộ lên một vụ án văn học lớn nhất trong lịch sử cận đại, mà cả nửa thế kỷ sau, các nhà thơ tham gia bị vùi dập, tù tội mới được nhìn nhận, phục hồi công lao đóng góp cho văn học.
Ấy vậy mà thế giới biết đến tên ông lại chỉ qua sự kiện này. Trong cuốn tự điển bách khoa thế giới Encyclopaedia Britannica, trong mục từ Phan Khôi có phần ghi chú, tạm dịch “Phan Khôi, một nhà trí thức đầu đàn của Việt nam đã khơi dậy phong trào ‘Trăm Hoa Đua Nở’ nhằm cho phép các văn nhân học giả Việt nam được phê bình chế độ cộng sản, nhưng do vậy mà ông bị ngược đãi cho đến cuối đời bởi Đảng Cộng sản Việt nam”.

Cũng trong sự nghiệp văn bút, Phan Khôi chính là tác giả bài thơ ‘Tình Già’ mở đầu cho phong trào thơ mới, một bước đột phá cho phong các thi ca thoát ra khỏi sáo mòn, ước lệ, làm giàu cho ngôn ngữ Việt. Chỉ một bài thơ  làm ông được coi là nhà thơ có hạng, chỉ với ‘Tình Già’ mà phong cách thơ ông  có sức thuyết phục sau những xao động, phản hồi, bình phẩm của dư luận để rồi theo dấu chân ông, nhiều tài năng chớm nở, nhiều tác phẩm ra đời với lời thơ rành rọt, ý thơ trong sáng, vẫn óng ánh như sương mai trên lá, vẫn thơm mát như hương bưởi  bên vườn, góp phần làm phong phú cho lãnh vực thi ca hậu bán thế kỷ hai mươi. Nhớ lại hồi còn trẻ khi đọc bài này chưa thấy hay, vì mải mê những áng thơ tình lãng mạn tuổi học trò, nay nửa đời nhìn lại, đọc thơ ông mới thấy hết cái thâm thúy và cách tân của nó.

Nay nhân kỷ niệm 123 năm ngày sanh của ông, người viết xin vinh danh ông không phải đơn thuần vi sự nghiệp văn học và công trình văn hóa, mà chủ yếu trong tư cách một tín đồ Cơ Đốc, được biết ông là dịch giả của bộ Kinh Thánh từ đó đã đưa tôi vào lẽ thật, mà trong đó hai sách Thi thiên và Nhã Ca được coi như những áng văn tinh túy của toàn tập. Chỉ với tài văn thơ của ông kết hợp với kiến thức vừa thâm chữ Nho, vừa giỏi tiếng Pháp mới làm thăng hoa ý thơ trong Cựu ước mang lại cảm hứng vô lường cho hàng triệu sinh linh khi hạt giống tin lành nở rộ trên đất Việt, mà khởi đầu là đất Quảng nam với những cửa khẩu Hội an, Đà nẵng là điểm tiếp thu các trào lưu văn hóa, tinh hoa thế giới, song hành giao lưu với các  giá trị văn hóa, tín ngưỡng phương Đông.

Có người nói lúc ra Hà-nội, chưa có việc làm nên ông tìm Kinh thánh để dịch. Ông bảo ông dịch để ông học, không hiểu ông học dịch thuật hay học cái tinh túy của lẽ đạo, chỉ biết với lối dịch uyên bác và cách hành văn vừa trong sáng, bóng bảy, vừa mộc mạc, bình dân mang âm sắc quê ông, thì dù có ai hậu sinh được xếp vào bậc thầy cũng không thể vượt qua. Kinh thánh cũng được kể là một loại ‘tân thư’ mà nhờ hướng biển, người nho sĩ duy tân xứ Quảng sớm có cơ hội tiếp thu và đem ra dịch để quảng bá rông rãi cho nhiều người cùng đọc. Nhiều tín đồ ngoan đạo mang ơn ông về bản dịch tiếng Việt, nhờ nó mà họ được đọc, được học, được cảm nhận lời dạy của Đấng Cứu Thế bằng ngôn ngữ mẹ, đưa ý văn, ý thơ, ẩn dụ, phép màu đi thẳng vào lòng người, nên trong số họ nhiều độc giả kể cả tôi đã cầu xin Đấng Chí Tôn đưa ông vào nẻo thiên đàng dù ông là người ngoại đạo.


Đỗ Xuân Tê



No comments:

Post a Comment