Saturday, August 31, 2013

Tiếng Việt mình và thế hệ cháu tôi .

                              http://www.vietsda.org/vietngucodoc
Đỗ Xuân Tê
    Hơn bốn mươi năm trước khi tôi đi Mỹ để tu nghiệp ngành thông tin báo chí, tôi có dịp gặp gia đình Tiến sĩ Nguyễ Sỹ Thăng tại Chicago, một thành phố gần trường tôi học. Anh chị cũng mới sang Mỹ trước đó mấy năm trong cao trào chảy máu chất xám từ Âu châu để nhận một chân giảng dạy môn Vật lý cho một đại học tại thành phố này.
Tôi vào thăm giảng đường ngồi chờ anh. Tiếng Anh của anh lúc này accent còn nặng âm điệu tiếng Pháp, nhưng về phương cách giảng dạy trên bục giảng thì đám sinh viên Mỹ có vẻ phục và chú ý theo dõi. Chị làm part-time cho một công ty nhỏ, chủ yếu lo phần nội trợ, nuôi dạy cháu gái là bé Trâm (Michelle) và lo cho tổ ấm nhiều hơn. Gia đình này có vẻ hạnh phúc, hồi đó sống ở hải ngoại, lấy người cùng xứ thường xuất phát từ các cuộc tình sinh viên, lại đến với nhau trong tình đồng cảm của người xa xứ nên ít thấy có chuyện chia tay sớm như các bạn thanh niên thời bây giờ.
     Tôi theo bố cháu Trâm từ giảng đường về nhà, ngạc nhiên khi con bé bốn tuổi ra chào, cháu chào chú ạ. Con bé dễ thương lại càng dễ thương khi chào hỏi theo kiểu Việt nam. Tôi xoa đầu cháu và tặng cháu một con búp bê mặc áo dài made in Vietnam.  Ba người lớn cùng ngồi noí chuyện, tôi trao cho chị món quà của gia đình gởi từ Saigòn qua. Chợt bé Trâm mặt hớt hải tay cầm con búp bê, chạy vào la với giọng như muốn khóc, mẹ ơi, trái ớt nhà mình bị "té" rồi! Cả nhà đều cười, chợt như sợ phật ý đứa bé, cả ba chúng tôi ra cạnh hiên nhà nhìn cây ớt kiểng, quả thật, có một trái đã bị rụng xuống dù cuống còn tươi. Cây ớt chị mang hạt từ Pháp sang, được ươm, mọc lên trong những ngày hè để làm cây kiểng cho đỡ nhớ quê. Bé Trâm thích nó như một sinh vật thân thương và quí nó như một thứ đồ dễ vỡ, có thể do mẹ cháu bảo cháu cây ‘bông ớt’ này là từ Viêt nam, miền đất cháu nghe nhiều nhưng chưa một lần được đặt chân đến.
     Ngay từ ngày đó, trùng hợp với cao điểm của cuộc chiến Việt nam, cuộc sống ở Mỹ đã khá tất bật. Chuyện có một bữa ăn với món ăn Việt trong gia đình quả là hiếm hoi, phải đi xa và thường mua ở các tiệm Tàu.   Nhưng ngôn ngữ Việt bố mẹ cháu Trâm thấy chẳng phải đi đâu mà vẫn có thể trao đổi, sử dụng, gìn giữ ngay trong tổ ấm của mình. Trong niềm trăn trở luôn nhớ về nguồn, chị đã ra sức dạy cho bé gái tiếng Việt và hệ quả của nó tôi nghĩ là có lợi cho những thế hệ xa quê hương. Tôi mất liên lạc với anh chị mấy năm sau đó phần vì bị cuốn hút bởi cuộc chiến, phần vì số phận đổi đời sau 75.

     Bốn mươi năm sau, tại một ngôi nhà vùng đồi thoải Riverside, nam California, gia đình tôi với ba thế hệ sống chung một nhà, hai vợ chồng tôi, hai vợ chồng đứa con gái lớn, và một cháu ngoại, khác với bé Trâm, cháu là bé trai. Thằng bé chưa đến trường, phần dạy dỗ tiếng Anh cũng như tiếng Việt, bố mẹ cháu giao cho chúng tôi. Riêng đồ ăn Việt và chăm sóc cháu thì giao thêm cho bà nó. Cháu bà nội tội bà ngoaị ở đâu cũng vậy, nhưng bù lại là niềm vui vô giá cho lứa tuổi lúc về chiều.
Gần như đến hẹn lại lên, cứ vào cuối thu, gió Santa Ana thổi từ sa mạc Mojave ra biển lại đi qua vùng tôi ở, một loại gió khô, nóng.với tiếng hú làm khó chịu về đêm nếu ai muốn mua nhà đắt tiền trên đồi cao. Cây cối, cây kiểng cũng có phần ảnh hưởng bởi loại gió này, tất nhiên sân vườn nhà ai dù rộng, dù hẹp, dù design theo kiểu gì thì gió mưa cũng chẳng trừ ai.
     Tôi đang ngồi ăn sáng với bà nó, bố mẹ cháu thì đã đi làm từ lúc trước hừng đông. Thằng nhỏ ngoài sân chạy vào bằng một giọng tuy không nhiều cảm xúc nhưng cũng không kém phần hối hả, bà ơi, mấy trái ớt của ông ngoaị "té" rồi! Tôi không quan tâm lắm vì mấy trái ớt rụng do trận gió đêm qua, nhưng lại liên tưởng đến cây ớt kiểng của gia đình bé Trâm bốn mươi năm về trước, người già thì hay hồi tưởng tôi cũng có tật này. Khi liên hệ về phần ngôn ngữ, sao không hẹn mà gặp, hai thế hệ cùng sanh tại Mỹ vẫn dùng chữ "té" thay vì "rụng" hoặc rớt xuống. Tôi tức cười hỏi cháu, sao nó có bị đau không, con hỏi nó chưa? Thằng bé biết tôi chọc quê vì ớt đâu phải một sinh vật, nhưng cũng ra nhặt và đưa cho tôi mấy trái ớt màu đỏ còn tươi vì nó biết tôi thích ăn ớt và ớt tôi trồng để ăn chứ không phải làm kiểng như nhà bé Trâm.
     Được dịp, nhân lúc thằng bé chạy ra ngoài, bà ngoaị nó trách tôi, ông dậy tiếng Việt gì mà rớt lại la là té. Tôi chưa phản ứng vội vì dòng hồi tưởng về gia đình bé Trâm còn đang gợi nhớ trong tôi, nhưng sau đó cũng phải kịp thời sửa cho thằng nhỏ cách dùng từ thế nào cho đúng và đừng làm mất mặt ông (ý nói với bà ngoaị của nó). Thật sự khi học một ngôn ngữ, phải nói sai, viết sai, rồi sửa sai mới là phương cách để nhớ và tiến bộ.
     Chuyện đến đây coi như xong. Nhưng vì ngày rộng tháng dài, lại tuổi nghỉ hưu, nên từ chuyện trái ớt xin tản mạn sang chuyện cái tiếng Việt mình và thế hệ cháu tôi. Tôi cũng như các bậc phụ huynh người Việt xa quê hương vẫn có niềm trăn trở về tiếng Việt đối với các thế hệ thứ hai, thứ ba trên đất nước này. Quả thật ‘không sợ các em không nói giỏi tiếng Anh mà e các cháu chóng quên tiếng Việt’. Suy nghĩ này đã trở thành một lời nhắc nhớ được viết dán trên tường của các phòng sinh hoạt trong nhà chùa, nhà thờ, trung tâm cộng đồng người Việt khắp các bang.
     Do hai ngôn ngữ Việt Mỹ có sự khác biệt về ngữ pháp, cấu trúc; cho nên họ tên cũng đổi ngược, ngày tháng đảo lộn, chào thì phải phân biệt sáng trưa chiều tối, xưng hô thằng ấy ông ấy cũng him, bà kia con nọ cũng her, đại loại làm cho các cháu thuộc lứa tuổi nhà trẻ mẫu giáo dễ bối rối khi phải tiếp thu hai ngôn ngữ song song cùng một lúc.
     Chưa kể cách đặt câu, tật nói ngược, dùng chữ tức cười kiểu như, ‘ông ra banh chơi với con đi’, ‘mời ông xuống cơm ăn’, hoặc bà bảo nó lên hỏi, ‘ông ăn chưa’, thằng cháu chạy xuống cũng lại nói, ‘ông ăn chưa’ (lẽ ra là ông chưa ăn). Bà lại bảo nó lên hỏi lại, ‘ông ăn chưa hay chưa ăn’ (vì lúc này bà đã sửa soạn xong món ăn). Thằng nhỏ đâm bối rối, lạc hướng nên ông phải xuống trả lời cho rõ, ‘ông chưa ăn nhưng chưa muốn ăn.’
     Ôi, Tiếng Việt, tiếng nước tôi quả là lắt léo vì nó quá phong phú, đa dạng. Rồi cái kiểu hay nói lái (lính chê thành Chế Linh, ca sĩ này được miễn quân dịch) nó làm cho con cháu mình có tật hay nói ngược chứ không hẳn cứ đổ lỗi cho Mỹ. Chưa kể 5 cái dấu sắc, huyền, nặng, hỏi, ngã làm đau đầu lũ nhỏ lúc phát âm, trong khi các nhà ngữ học quốc tế lại nức nở khen tiếng Việt nhờ có âm sắc như vậy nên khi nói mà cứ như là…hát (đặc biệt là các bà các cô dưới 50).

     Nay nhìn lại tôi mới thấy thế hệ cháu tôi, các béViệt hải ngoại nói chung may mắn hơn nhiều so với thế hệ bé Trâm. Cộng đồng Việt nam ngày nay vừa đông, vừa mạnh, lại có nhiều người giỏi, nhiều người giàu. Tuy cấu trúc cư dân, thành phần xã hội, có sự khác biệt diện này diện nọ, nhưng dù quá khứ, xuất thân thế nào thì ai đến Mỹ cũng có cơ hội, có chí thì nên, có gan thì giàu, không nhất thiết phải là con ông cháu cha, phải giàu ba họ, hoặc phải chịu cảnh khó ba đời, con sãi nhà chùa lại quét lá đa như ở quê nhà.
     Thiếu gì gương thành đạt ở Mỹ, báo đăng, sách viết cứ như chuyện thần tiên. Một anh chăn trâu ở Bình Giả đã trở thành một Vice President (người Á châu đầu tiên) của tổ chức văn hóa xã hội đa quốc gia National Geographic, một con ông thợ đóng giày ở chung cư Ấn quang nay đã thành một bác sĩ thành Cam. Chẳng đâu xa, ngay thành phố tôi ở, một thằng bé lai bán bánh cam ở Bình định nay đang là chủ nhân của hai cơ sở thương mại, vợ chồng mới mua căn nhà lớn như tòa thị sảnh mà chẳng cần gặp Loan Officer. Dĩ nhiên có nhiều gương thành đạt không sao kể xiết đến nôĩ chuyện ‘Viết Về Nước Mỹ’ trên Việt Báo thuật lai, tả laị cả mười mấy năm vẫn chưa hết chuyện!
     Một khi cộng đồng lớn mạnh như vậy thì theo tỉ lệ thuận ngôn ngữ, văn hóa phải phát triển theo. Dân ta lại có truyền thống vốn trọng Về Nguồn, nên muốn con cháu mình nhớ nguồn thì mặc nhiên phải trân trọng, vun bồi, gìn giữ tiếng Việt để các thế hệ tiếp nối dù xa Tổ quốc vẫn nói được tiếng Việt, viết được tiếng mẹ đẻ của mình.
     Nhớ lại thời bé Trâm, ở hải ngoại ta đâu có Viện Việt học, Hội Khuyến học, trung tâm văn hóa Hồng Bàng, các trường, các trung tâm dạy kèm tiếng Việt, các báo Việt xuất bản hàng ngày, các đài phát thanh, phát hình hàng giờ, các cơ sở in ấn song ngữ, tranh vẽ đủ màu, đủ cỡ, sách truyện đa dạng, đủ loại dành cho thiếu nhi.
     Hồi đó làm gì có các cuộc hội thảo, tham luận, tham vấn trao đổi kinh nghiệm tại các đại học Mỹ UCLA, Georgetown về tiếng Việt, về phương pháp dạy tiếng Việt, về huấn luyện và tu nghiệp sư phạm cho thầy cô như ở Fullerton mới đây. Ngày đó The Catholic University of America và Hawaìi đâu đã nghĩ đến việc bảo trợ in ấn sách báo cho thiếu nhi Việt. Cũng chưa có nhiều học giả, giáo sư, các thầy cô vừa dạy, vừa soạn sách, vừa in sách phổ biến sâu rộng trong cộng đồng. Nói đến quảng bá, khích lệ thì hồi ấy các giải thưởng khuyến khích học tiếng Việt cũng chỉ tổ chức năm thì mười họa, chưa kể thân chủ, cơ sở bảo trợ còn đếm trên đầu ngón tay, nay thì các trung tâm lo luyện cho gà của mình đi dự các giải thi viết tiếng Việt hàng năm tổ chức trên nhiều vùng có dân Việt định cư.
     Một khi tình hình đã đổi khác, vấn đề là làm sao gây được phong trào làm cho con em mình nó ‘thích’, thích học, thích đọc, thích viết, thích nói, thích nghe tiếng Việt, kể cả thích vẽ tranh Vìệt, thích làm thơ Việt, thích hát tiếng Việt. Theo tôi nghĩ một trong các phương cách là nên có các giải thưởng, các buổi lễ trao giải, các cuộc họp mặt, triển lãm tác phẩm, các bài viết, tranh vẽ của nó (kiểu Việt Báo Gallery), cùng kết hợp với các hình thức múa hát, thể thao, võ thuật, hướng đạo, tầm lộ đoàn, thi giáo lý, thi đố vui, thi đánh vần lồng trong các lễ hội tôn giáo, lễ hội cổ truyền (Tết, Trung thu, Hội Vua Hùng, Hai Bà Trưng...), trong các kỳ hè,  để chúng có thể show off khả năng nói và viết tiếng Việt của mình.
     Song song với việc khích lệ trong quá trình dạy và học, một hình thức nữa để thúc đẩy các em là lâu lâu sắp xếp cho chúng có dip về thăm quê hương.
Thời bé Trâm quê hương chiến tranh các em đâu có dip về. Thời thập niên 80, người ta trong nước đang lo "đi", chả ai nghĩ đến chuyện "về", chưa kể nhà nước lúc đó chưa nhìn nhận và o bế Việt kiều như là "một bộ phận không thể thiếu trong tiến trình đoàn kết của cộng đồng Việt nam”. Chỉ mới hơn mười năm trở lại đây, phong trào về thăm quê mới nở rộ. Động cơ thúc đẩy cũng có nhiều lý do nhưng chẳng qua cũng chỉ vì nhớ quê hương, thăm người thân, dẫn đám cháu về cho chúng nó biết đất nước cội nguồn, còn việc trao đổi làm ăn, thăm dò chính trị, trao đổi văn hóa thì không nói, không bàn ở đây.
     Nhớ lại chuyến về thăm quê vào một dip Tết đã giúp thằng cháu tôi khi sang lại Mỹ viết bài Luận văn tả lại chuyến đi, nhất là bài tả Tết cổ truyền đã được cô giáo khen nức nở, rồi cùng với mấy bài văn sau đó giúp nó lãnh được phần thưởng Writing, một phần thưởng ít khi có đầu đen lên lãnh. (chỉ tiếc chưa có khả năng viết bằng tiếng Việt, nó còn phải học bé Vincent Bảo Phương, giải Á khoa Bé viết văn Việt cũng cùng đề tài)
Cũng sau một tháng ăn Tết được giao lưu với đám trẻ cùng lứa, đi thăm các tụ điểm giải trí thiếu nhi, ăn uống đồ Việt, thăm cảnh Việt... thì khả năng nói và đọc của thằng nhỏ tiến bộ trông thấy, chưa kể điều làm nó thích thú là trẻ con Việt kiều, Việt Cộng đều có cùng một ngôn ngữ trong …trò chơi điện tử, một điều không thể chối cãi là tụi nó thân nhau nhanh qua trò chơi của thời đại này.
     Cuối bài viết cũng xin trao đổi một kinh nghiệm khi chọn sách cho các cháu học, cháu xem. Trẻ con nó rất nhạy cảm, nên khi chọn sách giáo khoa phụ huynh cần có sự chú ý, xem và duyệt trước. Một giai thoại vui giữa hai ông cháu nhân đọc một đoạn thơ trong cuốn Tiếng Việt lớp 2 của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo soạn và in (mẹ nó mua từ Việt nam nhân chuyến đi). Đoạn thơ của nhà thơ cộng sản Lê Anh Xuân có 8 câu, hai câu chót ca ngợi người lãnh tụ của họ,
"Điệu lục bát, khúc dân ca/Việt nam là Bác, Bác là Việt nam"
Thằng nhỏ hỏi ông Bác là ai, Ông hơi bối rối, giải thích theo sử quan thì dài dòng quá, sức nó chưa đủ để hiểu, ông bèn ngắn gọn ‘cương’ lên như sau:
“Bác là tượng trưng cho bác nông phu của đồng ruộng Việt nam, Bác là hình tượng của một người đã một nắng hai sương, dầm mưa dãi nắng, chăm lo vun bón cánh đồng, đem bát cơm về cho dân làng, dân bản. Cho nên hình ảnh Bác là hình ảnh Việt nam, hình ảnh đồng ruộng Việt nam, của đồng bằng sông Hồng, sông Cửu, của châu thổ sông Mã, sông Chu, của dẻo đất hẹp miền Trung chạy dọc biển Đông kéo dài tới miền đất Mũi."
Thằng cháu ra chiều cảm động dù chưa hiểu mấy địa danh này nằm ở đâu, nhưng nhìn nét mặt nó có vẻ ‘thương’ bác nông phu như ông nó tả.
Mấy hôm sau, ông nó thay sách khác, cuốn cũ dùng làm tài liệu tham khảo, vì ông nó không muốn giải thích cho cháu mình một cách tùy tiện, chủ quan đành rằng lớn lên nó sẽ hiểu.
     Tản mạn lâu quá rồi, e đi quá xa. Xin dừng ở đây, mong sao các em các cháu cố viết và nói được Tiếng Việt mình. Mong các vị đồng hương, phụ huynh, các nhà bảo trợ, các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà in góp tay góp ý cho nỗ lực này để cùng các cơ sở truyền thông, các tổ chức tôn giáo, văn hóa, giáo dục, các trung tâm cộng đồng...đẩy mạnh phong trào ‘học và viết tiếng Việt’ lên bước cao hơn, cho con cháu chúng ta dù sống trên quê hương thứ hai, nhưng "cội nguồn vẫn giữ, giống nòi chẳng quên."

ĐỖ XUÂN TÊ
viết tặng Thầy Cô và các cháu trường Việt ngữ HT/cđpl El Monte





No comments:

Post a Comment