Tôi có thói quen những chiều ngày sa-bát hay đi một vòng các trang mạng theo đường links của tinhưu.net để xem các hội thánh của bà con mình trong cũng như ngoài nước trong sinh hoạt có gì lạ. Cái chính là tìm nghe các bài giảng mới nhất của tôi tớ Chúa hoặc Guest Speaker, sau là xem có lời chứng gì hay xuất phát từ thân tín hữu, và dò xem có bài hát nào được con cái dâng Chúa trong phần nhạc đặc biệt, một tiết mục tôi thích thú không kém gì bài giảng mỗi khi thờ phượng.
Tuần này tình cờ tôi bắt gặp Lời chứng của một người chị em rất quen thuộc với bà con Cơ-đốc hải ngoại, chị Phạm Thị Minh Merideth bên Hội Thánh El Monte (đồng thời cũng là Thủ Quĩ của hội thánh nhà).
Chị Minh cũng chẳng xa lạ gì với gia đình tôi vì mấy con gái và bà vợ tôi vẫn coi chị như tấm gương (role model) trong đời sống tín giáo của người Cơ-đốc, không hẳn chỉ qua lối giao lưu cư xử (bằng môi miếng) mà còn bằng những hành động thiết thực giúp ích khi có những khó khăn cần nhờ (mà nhiều khi ruột thịt trong nhà ngại không nhận giúp). Chị vốn khiêm tốn dù giao lưu rộng nhưng không thích nhắc đến cá nhân và ngại khi ai đó có nhã ý muốn đề cao chuyện ơn nghĩa trong tình bà con cùng đạo.
Với tôi, được biết chị khoảng giữa thập niên ’90, khi tham dự những hội chợ sức khoẻ và chứng đạo do hội thánh El Monte tổ chức hằng năm nhằm phục vụ cộng đồng bà con đủ sắc tộc quanh địa phương gần thành phố Los Angeles. Chủ trì là Mục sư chủ tọa Nguyễn Khắc Vinh đã mời được nhiều bác sĩ, điều dưỡng Việt Mỹ tham gia, về mặt phương tiện và dụng cụ y khoa thì cung cấp chủ yếu từ White Memorial SDA Hospital/LA, nơi mà chị Minh làm việc lâu năm và có những liên hệ gắn kết trong việc mời được họ bảo trợ mỗi năm. Phải nhìn nhận do hiệu quả của các hội chợ này mà bảng hiệu Nhà thờ CĐPL El Monte được nhiều cư dân trong vùng Việt có, Mễ có, Mỹ la-tinh biết và tìm đến.
Sau này khi cộng tác với Tiếng Nói Hy Vọng, do nhu cầu cần có trang tiếng Anh dành cho thiếu niên, tôi lại có dịp đọc một số bản dịch (thường là bài viết của MS Dương quang Thoại), tuy ngắn nhưng xúc tích qua lối chuyển ngữ ‘tài tử’ nhưng rất chuẩn của chị Minh tôi mới biết chị có thêm một ta-lâng Chúa cho.
Nhưng kỷ niệm đáng nhớ là khi chị và các anh Võ Sua HồTần cùng con gái tôi (Mỹ Linh) họp thành một nhóm đi làm chứng đạo cho các thiếu nhi phạm pháp gốc Việt tại nhà tù ở Chino (nam Cali) gần như thứ tư hàng tuần kéo dài trong nhiều tháng (khoảng 95-96). Cũng do sự động viên của nhóm này mà tôi được dịp làm chứng cho trên dưới ba chục em về ‘Lý do tại sao tôi tin Chúa’. Hồi đó tôi ăn nói còn kém nhưng do trải nghiệm cảnh tù bên quê mình nhiều năm nên lời chứng của tôi rất ‘ép-phê’, gây ấn tượng tốt cho các em. Sau các em phải chuyển đi trại khác, nhóm chứng đạo ai về nhà nấy.
Tạm ngưng chuyện bên lề, người viết xin quay về lời chứng thay vì người chứng. Vậy lời chứng của chị Minh có gì lạ? Thật ra cứ theo nội dung câu chuyện thì vừa lạ vừa quen. Quen vì chị nói về đề tài cầu nguyện cho nhau trong các buổi nhóm chung giữa vòng anh chị em cùng hội thánh, chuyện này thì nhiều hội thánh đã làm nhưng kết quả bao nhiêu thì thường là hạn hẹp. Nhưng có điều gây ấn tượng cho người nghe là chị trải lòng mình bằng cảm xúc trải nghiệm cá nhân và chia sẻ về hiệu quả của việc nâng đỡ đức tin một khi bà con chịu sắp xếp thì giờ đến nhóm với hội thánh theo lịch trình định sẵn.
Cụ thể chị đi thẳng vào sinh hoạt rủ nhau ‘nhóm lại cầu ơn’ mỗi tối thứ tư tại hội thánh nhà. Thú thật chị cũng như vàì người chị em lúc đầu thấy ngại, đi làm về mệt mỏi, đi lại kẹt xe, nhóm xong về nhà cũng chin mười giờ đêm, sao không cầu nguyện cá nhân ở nhà mà phải đi xa…cho mệt? Nhưng cứ thử nghiệm vài ba lần chị thấy sau phiên nhóm như được thêm sức, không những quên nỗi mệt mỏi ban đầu mà lòng như cảm thấy thơ thới khi lái xe ra về, dần dà quen lệ dù có bận cũng không muốn bỏ nhóm.
Cũng theo chị cầu nguyện đây không phải là cho cá nhân mà chủ đích là cầu nguyện chung cho nhiều người, giúp sức nhau thông công dốc lòng khẩn cầu xin Chúa giải quyết ban ơn cho nhiều nan đề của cuộc sống. Trong tinh thần cầu cho người tức là cầu cho mình, chia sẻ gánh nặng cho nhau, nâng đỡ an ủi nhau, chị thấy những buổi nhóm này toát lên tình người Cơ-đốc vừa quan tâm đến anh chị em mình cùng công việc hội thánh nhiều hơn, thay vì chỉ là những lời khẩn cầu cá nhân cho bản thân cho gia đình đôi khi như một thông lệ làm theo quán tính.
Làm được như vậy một cách đều đặn cũng là phù hợp với lời Chúa khi Ngài luôn khuyến khích con cái nhóm lại trong tình thông công tập thể, gắn kết hai ba người với nhau. Chị dẫn chứng thêm Ma-thi-ơ đoạn 18 cũng chỉ rõ điều này khi Chúa phán,
‘Quả thật, ta lại nói cùng các ngươi, nếu hai người trong các ngươi thuận nhau ở dưới đất mà cầu xin không cứ việc chi, thì Cha ta ở trên trời sẽ cho họ. Vì nơi nào có hai ba người nhơn danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ.’ (câu 19,20)
Cuối Lời chứng lại không hẳn là làm chứng, mà như lời nhắn gởi bà con cố bỏ qua những vướng bận đời thường, ráng vượt lên những cảm giác mệt mỏi , những duyên cớ ngại ngùng để cùng nhau nhóm lại biệt riêng một lần trong tuần cầu nguyện cho mình, cho người thân, cho tha nhân, cho cộng đồng hội thánh tại đất nước này, cho các hội thánh điểm nhóm quê nhà nói chung...
Vì quả thật cứ hai ba người nhân danh Chúa mà nhóm lại thì Chúa sẽ ở cùng và không cứ việc chi Chúa sẽ thỏa đáp. Chắc mọi người đều A-men.
Đỗ Xuân Thảo
ghi lại (7/20/13)
No comments:
Post a Comment