Friday, August 16, 2013

Người này là Ai?

Đỗ Xuân Thảo
Trong sách Ma-thi-ơ có ghi đoạn Chúa Giê-su làm yên cơn bão trên biển Ga-li-lê sau khi tiếp cận với môn đồ Ngài, quá đỗi kinh ngạc có một số đệ tử đã đặt câu hỏi, vậy thì “Người này là Ai?”
Xem hìnhNgài biết nhưng không đi thẳng vào câu trả lời, mà lại hỏi vậy các ngươi thì xưng ta là ai? Như bật lên thành tiếng nấc, kẻ đầu đàn trong đám môn đồ là Si-môn Phi-e-rơ đã xúc động xưng ngay, “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”.
Từ giờ phút này, Phi-e-rơ được kể là người có phước, chữ Phước viết hoa với đầy đủ ý nghĩa cao sâu của nó, vì khi xưng ra như vậy Phi-e-rơ chẳng phải do ‘thịt và huyết tỏ cho ngươi điều này, bèn là Cha ta ở trên trời vậy’ (Ma-thi-ơ 16:17) như Chúa Giê-su phán ngay cùng người kèm theo lời khen ưu ái, Si-môn, ngươi là người có phước đó. Cũng nhờ ân sủng này mà về sau người chài lưới năm xưa được Chúa dạy dỗ, tin yêu, và giao cho trọng trách coi sóc Hội thánh Ngài trên đất sau khi Chúa về trời.
Vậy danh xưng ‘Con Đức Chúa Trời, Đấng Christ’ được kể là danh xưng dành cho Chúa Giê-su được tỏ lộ đầu tiên trên thế gian. Về sau thông qua tính cách của Ngài, chức vụ của Ngài và quyền uy cả thể của Ngài, các môn đồ, sứ đồ đã tôn vinh Chúa Giê-su bằng các danh xưng vô đối được tỏ lộ rạch ròi qua các câu chữ của các sách nằm trong Tân ước.
Cũng là một sự diệu kỳ, chẳng phải chờ đến khi Chúa xuống thế gian các danh xưng mới được tỏ lộ mà các con cái Chúa khi đọc lại sách Ê-sai, được viết từ 700 năm trước khi Chúa giáng sanh, người tiên tri vĩ đại thời Cựu ước đã có diễm phúc được Đức Chúa Trời chọn lựa để khải thị một  điều kỳ diệu có một không hai trong lịch sử loài người,
“Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ-Lùng, là Đấng Mưu Luận’ là Đức Chúa Trời quyền-năng, là Cha Đời Đời, là Chúa Bình-an.” (Ê-sai 9:5)
Mặc nhiên qua câu Kinh thánh này, danh Chúa đã được tỏ lộ, nhưng tuyển dân của Đức Chúa Trời khi mưu tìm một Đấng Mê-si  (tức Đấng Christ) họ đã mù lòa không nhận ra được món quà diệu kỳ của Đức Chúa Cha vì yêu thương chúng sinh đã ban Con một của Ngài xuống thế gian dưới dạng một con trẻ bình thường mà chỉ những ai có con mắt thuộc linh mới nhận ra Người là ai, mới tin Người là ai, để rồi tin nhận Ngài là Đấng Thánh, là Cứu Chúa của mình.
Cũng trong đoạn 16 của sách Ma-thi-ơ người ta thấy trong số những môn đồ được gần gũi Chúa có người thì nói Chúa ta là Giăng Báp-tít, kẻ nói là Ê-li, là Giê-ri-mi, hay một đấng tiên tri nào đó, thì Phi-e-rơ may mắn thay được sự tỏ lộ từ Thiên đàng đã nhận ra Chúa mình là ai. 
Trở lại chuyện danh xưng, người viết xin được phép chia sẻ sau khi nghe đề tài, ‘Who is this Man?’ (Người này là Ai?) của diễn giả là Mục sư John Ortberg (cũng là một tác giả có sách bán chạy nhất). Dò tìm Kinh Thánh, ông đã liệt kê có ít nhất 95 danh xưng chính thức được vinh danh Chúa Giê-su khởi đi từ 5 sách Phúc âm, qua các thánh thư của các sứ đồ và sách Khải Huyền. Mỗi danh xưng được trích dẫn có câu Kinh Thánh kèm theo minh họa một cách cụ thể từ lời của Chúa qua sự khải thị của Chúa Thánh Linh cho các sứ đồ môn đồ, chứ không phải từ sự suy diễn thêm thắt của tác giả đề tài khi làm công việc bình giải Thánh kinh.
Vì bài viết có hạn chế, nên không thể liệt kê đầy đủ theo nguồn, mà chỉ xin khái quát một số danh xưng rất phổ biến để mỗi người có dịp ôn lại ‘Chúa Giê-su, Người là Ai?’, một câu hỏi xem chừng đơn giản nhưng cũng lại là phức tạp khi ai trong chúng ta, những kẻ tin và những kẻ chưa tin, dám đoan chắc đã hiểu hết về Ngài?
Từ cảm nhận cá nhân, không phải chỉ dò tìm ‘danh xưng’ mà tôi lại tò mò xem Sách nào đề cập nhiều nhất đến danh Thánh của Chúa Giê-su, và tác gia nào được ơn Thánh Linh tỏ lộ một cách dư dật để truyền đạt lại cho các thế đại sau về uy danh cả thể của Ngài.
Từ cách nhìn này thì phải nói Sách Khải Huyền là sách tư thân nhằm tiên tri và khải thị cho thân thế, dòng dõi và quyền năng của Đức Chúa Giê-su, nên chi những danh xưng quí hơn ‘trên hết mọi danh’ trên trời dưới đất đều nằm trong bảng liệt kê của sách này, một cuốn sách được coi như giáo lý căn bản của người Cơ-Đốc Phục Lâm và rất quen thuộc với hàng tỷ tín đồ theo Chúa thuộc các hệ phái khác trên toàn thế giới.
Từ Khải Huyền thông qua tác giả là sứ đồ Giăng, Ngài đã được xưng, là Đức Chúa Trời, ĐẤNG HIỆN CÓ, ĐÃ CÓ,VÀ CÒN ĐẾN, là Đấng Toàn Năng, là An-pha và Ô-mê-ga, là đầu và là rốt, là VUA CỦA CÁC VUA, CHÚA CỦA CÁC CHÚA, là Đấng Quản Trị cuộc sáng thế, là LỜI của Đức Chúa Trời, là CHIÊN CON, là ĐẤNG SỐNG, là Đấng Thành Tín và Chân Thật…
Kế tiếp là sách Giăng cũng cùng tác giả, một môn đồ được Chúa Giê-su đặc biệt yêu thương, cả hai sách gộp lại đã viện dẫn được hơn một nửa số danh xưng thiên chức mà Mục sư Ortberg đã cẩn trọng sưu tra. Từ thống kê này, mặc nhiên sứ đồ Giăng được kể là khuôn mặt nổi trội khi được Thiên Chúa tỏ lộ nhiều chi tiết kín dấu diệu kỳ qua Đức Chúa Giê-su khi Ngài còn trên đất và Đức Chúa Thánh Linh trong những năm tháng cuối đời của Giăng trên đảo Bát-mô.
Mạnh mẽ nhất, thuyết phục nhất mà tôi coi như Thông điệp khẳng định vai trò của Chúa Giê-su, ngay trong chương mở đầu của sách Giăng, mà chỉ vài câu chữ đã tóm gọn danh xưng ngôi vị của Ngài,
Ban đầu có NGÔI LỜI, Ngôi Lời ở cùng ĐỨC CHÚA TRỜI, và Ngôi Lời là Đức Chúa Trời. Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi làm nên mà không bởi Ngài. Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.
Bài viết xin khép lại bằng một giai thoại của Giăng Báp-tít sau khi làm phép báp-têm cho Đức Chúa Giê-su bên dòng sông Giô-đanh, người đã thấy Thánh Linh từ trời giáng xuống như chim bồ câu, đậu trên mình Ngài. Qua hiện tượng này như đã được khải thị trước, người mạnh dạn làm chứng, ‘Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời.’ (Giăng 1:34). Bằng lời chứng đanh thép này, một lần nữa khẳng định cho những ai còn thắc mắc, ‘Người này là ai?’

Đỗ Xuân Thảo   
Viết nhân CHSCĐ đạt con số 30.000 lượt người thăm




No comments:

Post a Comment