Wednesday, May 29, 2013

Những “Nhà độc tài” trong Hội thánh

Đỗ xuân Tê

Cách đây bảy năm , tôi được đọc một lá thư gởi các tín hữu trong giáo hạt nhân ngày cuối năm của một người lãnh đạo Liên Hiệp Hội CĐPL Thái bình Dương (Pacific Union), Mục sư Tom Mostect.  Giáo hạt này cũng là một địa phận có nhiều hội thánh đa sắc dân, trong đó có cộng đồng CĐPL người Việt mình.

Lá thư không dài, chỉ hơn một trang đánh máy, nhưng xúc tích và cô đọng chủ yếu tập trung vào mấy vấn đề ưu tiên nhằm kêu gọi tín hữu vì sự tồn tại và phát triển của các hội thánh, chúng ta phải làm gì trong năm mới để khắc phục và bước tới.

Tôi đã có dịp quay lại để đọc nôi dung (đăng trên tinhưu.net) gần như mỗi năm, một phần vì ấn tượng với lối đặt vấn đề thẳng thắn và văn phong ngắn gọn của Mục sư Hội trưởng (qua bản dịch sắc sảo của NTNL), phần vì các vụ việc nêu lên vẫn còn tồn đọng hoặc diễn ra nhãn tiền trong sinh hoạt các hội thánh CDPL  bất kể ranh giới địa lý hay sắc tộc nào trên địa cầu. 

Lá thư có nêu 4 trọng điểm mà người đứng đầu liên hiệp hội có dịp quan sát khi tiếp xúc với thuộc viên của các hội thánh. Ông nhấn mạnh chính ‘nếp sống của chúng ta là niềm phấn khởi cho những người quanh mình, hay cũng có thể là lý do làm cho người quanh mình nản chí’. Ông cũng nói nếu cách chúng ta sống mà có thể làm người khác bỏ đạo, thì xin các tín hữu đừng coi thường những quan sát  mà ông liệt kê trong lá thư.


1.  Thiếu người,  gần như hội thánh nào cũng gặp vấn nạn này. Nhưng thực chất còn nhiều thành viên không chịu tham gia hoặc có thái độ thụ động trong các công việc của hội thánh. Chính vậy mà tiềm năng của tập thể và ta-lâng của cá nhân chưa được tận dụng và khai thác.

2.  Những cánh cửa khép kín xuất phát từ khái niệm cho rằng công việc truyền giảng và chứng đạo không phải là những họạt động ưu tiên cần thiết cho một hội thánh muốn phát triển, mà chủ yếu chỉ cần chăm lo cho sinh hoạt tâm linh dành cho các thành viên.


3.  Trung tín, vấn đề dâng hiến và tiền phần mười vẫn chưa được tín hữu quan tâm đúng mức làm chậm tiến trình đầu tư vào công việc Chúa , địa phương nói riêng, toàn cầu nói chung.
4.  Những nhà độc tài, tiểu đoạn này xin trích nguyên văn: 
     Tôi quan sát thấy có một số Hội thánh để cho một thiểu số nhiều khi thiểu số ấy có thể chính là các vị mục sư làm mọi quyết định và giữ trọn quyền cai quản đường lối của hội thánh. Điều này xảy ra được vì nhiều người nghĩ rằng mình không muốn làm người mang sự xào xáo đến trong hội thánh, hay dám đặt câu hỏi với những người độc đoán. Sự làm thinh hay không lên tiếng của người tín hữu sẽ đưa đến những nhà độc tài cai trị hội thánh. Với các hội thánh này, ma quỉ không cần phải làm việc cực nhọc, nó chỉ cần cám dỗ và ảnh hưởng một người cầm đầu là nó chiếm được toàn hội thánh Chúa.

“Không một cá nhân nào được tự đặt mình lên làm kẻ cai trị, lạm dụng quyền của Chúa, để cai trị anh em mình, hoặc làm theo ý mình. (Hội thánh) không được để chỉ có MỘT người trở thành quyền lực cai trị (hội thánh). (Ellen G. White, Christian Leadership, trang 33)

Đối với đại đa số tín hữu luôn quan tâm với sinh hoạt hội thánh chắc sẽ đồng thuận với người lãnh đạo hiệp hội về những quan sát  ông liệt kê và kêu gọi ưu tiên chỉnh sửa.  Riêng kẻ viết bài này phần nào ngỡ ngàng khi nhân danh một tôi tớ Chúa ông dám nêu thẳng có ‘những nhà độc tài’ (dictators) nắm trọn quyền cai quản đường lối và hoạt động trong một số hội thánh địa phương.

Danh xưng ‘nhà độc tài’ tự thân là một đại từ mang nghĩa xấu, ám chỉ những kẻ vì quyền lợi của cá nhân mình hay lợi ích của phe nhóm mình đã thu gọn quyền hành trong tay, khuynh đảo mọi lãnh vực của đời sống, thông qua các tay chân của mình để đàn áp, áp đặt, lọại bỏ các đối tượng muốn góp ý, muốn xây dựng, cụ thể nhắm vào những người có tài, có tâm không chịu về phe hoặc làm ngơ với cái ác, cái tiêu cực.

Thật khó hình dung sao lại có thể có những loại người này trong nơi thánh đường, trong chốn tâm linh tự thân vốn là một tập thể con dân của Chúa hội tụ lại để cùng nhau ăn năn và tôn vinh danh Chúa. Nhưng xét cho cùng thì hiện tượng có những người độc đoán, lạm dụng quyền lực trong sinh hoạt hội thánh không phải là không có cơ sở, nhất là ở những nơi người ta cứ sợ, ‘vạch áo cho người xem lưng’ (câu nói của một bà thuộc hội thánh tôi quen khi trách cứ một tín hữu dám lên giáo hạt tường trình về hành động vô cảm và độc đoán của một tôi tớ với bạn đồng công từ xa tới xảy ra cách đây mấy năm tại nam Cali).

Trở lại lời nhắn gởi thiết tha và chí tình của một người lãnh đạo có hoài bão muốn xây dựng và lành mạnh hóa các hội thánh Chúa, không gì tốt hơn và thiết thực hơn, trong vai trò tín hữu, chúng ta hãy mạnh dạn góp ý, khuyên bảo nhau, thậm chí cầu nguyện cho cả những người đang sa vào sự cám dỗ của quyền lực để không xảy ra hiện tượng mà người chị em Sister  White đã cảnh báo, ‘Không được để chỉ có MỘT người trở thành quyền lực cai tri hội thánh’.

Đỗ Xuân Tê 

No comments:

Post a Comment