Saturday, May 18, 2013

Hoài Nhớ Một Dòng Sông…

Hình sông Giô-đanh do Ms Phạm Minh Hoàng vẽ  cho H San Jose. Ms Hoàng đồng ý cho TL Tăng T Thi chụp lại gởi về HT Túy Loan họa lớn treo kế h Báp-tem.

Đỗ Xuân Thảo

    Đầu những năm ’60, ai đi qua ngã tư Phú nhuận về miệt Gò vấp đều thấy một ngôi thánh đường của một đạo mà họ biết không phải là đạo Công giáo. Có người thì bảo đây là nhà thờ Tin Lành vì cũng có cây thánh giá.  Ít năm sau khi người Mỹ hiện diện đông đảo ở Sài gòn và miền Nam thì ngôi nhà thờ này được người ta biết nhiều và gọi tên là nhà thờ Cơ đốc.
    Lúc này tôi đang là người ngoại đạo, cũng như đa số dân Sài gòn biết đến nhà thương Cơ đốc nhiều hơn là nhà thờ Cơ đốc,  nghe tiếng về bác sĩ và điều dưỡng của nhà thương nhiều hơn là tìm hiểu về đạo Cơ đốc và tín đồ cùng danh xưng.
    Có điều lạ là ngôi nhà thờ với lối xây cất hài hòa, không nguy nga hoành tráng, chẳng phức tạp cầu kỳ, dù dãi dầu với Sài gòn hai mùa mưa nắng nhưng chẳng hề xuống cấp, nét kiến trúc không cổ không tân như vẫn tiệp màu với thời gian, dù ẩn mình trên con lộ càng ngày càng tấp nập nhưng vẫn giữ được nét im ắng trang nghiêm của một nơi thờ phượng mà cư dân sau này quen gọi là nhà thờ Phú Nhuận.
    Nhiều năm sau khi vật đổi sao dời, hình ảnh ngôi thánh đường lại gợi nhớ trong tôi khi vợ con cho biết gia đình đã theo Chúa từ khi tôi ra Bắc. Vì sợ kiểm duyệt nên chỉ vắn tắt cho biết là đi ‘nhà thờ Phú nhuận’, một địa danh mà vợ tôi biết tôi còn nhớ và để tôi ngầm hiểu không phải là Công giáo mà là đạo dạy dỗ tín đồ dựa theo Kinh Thánh.
    Gần cuối thập niên ’80, tôi trở về hội nhập với xã hội mới cũng là những ngày làm quen với hội thánh và từng bước  giác ngộ trở về với đạo. Lần này được  bước vô nhà thờ nhìn ngắm bên trong, không còn là kẻ bên lề chỉ ngó qua mặt tiền ngôi thánh đường mỗi khi có việc đi ngang.
    Cảm xúc gây ấn tượng mạnh trong tôi (như có lần đã viết trong lời chứng “Có Một Dòng Sông”  trên tinhưu.net) là bức tranh đặt ngay chính diện trên hồ báp-têm, mà ai đó đã khắc họa một cách tài tình cảnh dòng sông Giô-đanh với vẻ tươi mát của bầu trời trong xanh, mặt sông tràn chảy, cây lá trổ bông thấm đậm hai bờ gợi nhớ hình ảnh sông nước sự sống’trong sách Khải Huyền, khiến mỗi lần có lễ báp-têm, bức tranh tự thân như toát lên cảnh cửa trời mở ra, Đức Thánh Linh ngự xuống và ân tứ tha tội được tuôn đổ dư dật trên những linh hồn trở về với Chúa.
    Sáu thập niên sau ngày thánh đường được xây cất với sơ đồ kiến trúc nguyên thủy dưới sự quán xuyến của Mục sư tiền bối Phạm Thiện, người ta đã đập bỏ hoàn toàn và xây dưng nên một ngôi thánh đường mới trên nền đất cũ. Tôi có theo dõi trên mạng tiến trình xây cất với cảm xúc vui buồn lẫn lộn. mừng vì từ nay bà con tín hữu sẽ có chỗ nhóm họp khang trang hơn, sức chứa sẽ rộng rãi hơn, tiện nghi sinh hoạt sẽ thuận lợi hơn, tương xứng với tầm vóc của một Hội thánh phát triển bước sang đầu thiên niên mới. Nhưng lòng cũng thấy buồn vì hình ảnh ngôi thánh đường thân thương ngày ấy sẽ chỉ còn đọng lại như một hoài niệm khó phai.
    Năm 2008 vợ con tôi có về thăm quê hương, tất nhiên cũng là dịp thăm lại hội thánh xưa, nơi mà mấy mẹ con trong cảnh chồng cha xa nhà đã nương tựa và sinh hoạt. Sang lại Mỹ, tôi có hỏi ngay ngôi nhà thờ mới có ‘đẹp’ không. Mấy mẹ con xem ra không phấn khởi lắm, tôi lại hỏi thêm (có phần ngây thơ) chắc bức tranh trên hồ báp-têm vẫn được giữ lại như xưa, câu trả lời dứt khoát là không.
    Năm năm sau, cũng vào những ngày tháng tư, bà con tín hữu trong ngoài nước  bàn tán và vui mừng khi đọc tin lễ cung hiến và khánh thành ngôi nhà nguyện của một hội thánh nhỏ trên dải đất miền Trung vùng Túy loan (Quảng Nam). Độc đáo cũng là xây dựng lại trên nền đất cũ, trùng hợp cũng là có lịch sử xây cất nguyên thủy và đóng góp liên quan đến người tôi tớ năm xưa và như một phép lạ phiên bản ngôi thánh đường Phú nhuận đã được tái tạo y trang qua những bàn tay khéo léo của thơ mộc thợ nề, người vẽ kiểu, cùng tấm lòng của bà con tín hữu và ban trị sự HT Phú Hòa. Tôi có đọc bài, ‘Khi Chúa làm phép lạ’  đăng trên mạng nói lên sâu sắc về niềm tự hào của bà con và người đầu đàn là Truyền Đạo Nguyễn thị Hồng Hải khi hoàn tất mỹ mãn công trình độc đáo này.
    Phần tôi lòng như được an ủi khi thấy xuất hiện bức tranh trên hồ báp-têm, không hiểu ai vẽ nhưng cảnh tượng về một dòng sông thuộc linh làm tôi hoài nhớ khi thấy Mục sư Nguyễn Xuân Sơn từ Mỹ về đang làm phép báp-têm cho một tín đồ mới cũng như chính ông đã từng chủ lễ cho tôi khi tiếp nhận Chúa cách đây đúng 25 năm.

Đỗ Xuân Thảo   
viết tặng bà con tín hữu Phú Hòa

Photo

 
Có  Một  Dòng Sông...
     Quê hương ta giàu đẹp vì từ ngàn xưa vốn là một vùng sông nước. Châu thổ sông Hồng, giao lưu cùng sông Đà, sông Đáy từng là cái nôi văn minh của giống nòi Đại việt. Tiếp đến sông Hương, sông Mã, sông Gianh tạo nên các biến thiên của thời đại  trải dài xuống miền trung nước Việt. Rồi những người đi mở đất phương Nam đưa lãnh thổ lan xuống vùng đất Mũi có sông Tiền sông Hậu đem phù sa về vun đắp cho đồng bằng sông Cửu. Mỗi miền mỗi vẻ, trải qua thăng trầm của lịch sử, các dòng sông vẫn là chứng nhân kiên trì gắn bó với người dân Việt qua bao thế hệ, đem lại miếng cơm manh áo, nguồn nước trong xanh, tô bồi tưới tiêu cho ruộng đồng bát ngát. Rồi theo thời tiết, trong mùa lũ tràn, nước nổi, các mạch sông cũng có lúc cuồng sôi, thác đổ gây cảnh đói kém cho bà con trăm họ, nhưng đa phần các dòng chảy đều mang lại sự tươi mát thanh bình chứa chan những kỷ niệm êm đềm cho bao tâm hồn từ thuở ấu thơ đến tuổi về chiều.

     Quả thực, mỗi con người Việt nam , phải nói ai lớn lên đều ít nhiều cũng có kỷ niệm ấp ủ về một dòng sông, hoặc một thời làm quen với sông nước. Ký ức của những ngày lũ lụt, những mùa nước nổi, những bến phà, những chiếc cầu, cây đa bến cũ, con đò năm xưa cùng những  ấn tượng về các cuộc hẹn hò giao lưu thơ ấu, bắt cá ven sông, trồng ngô đất bãi, thả diều trên đê...gợi nhớ những điệu hò miền nam, những câu chèo miền bắc, những khúc hát Nam giao cùng tiếng ru con ời ợi của các bà mẹ ven sông đã là những âm hưởng không thể nào quên cho những người con dù xa quê biệt xứ.


     Khi liên tưởng gợi nhớ về những dòng sông quê hương thì nhìn lại trong cuộc sống thuộc linh mỗi người trong chúng ta không ai xa lạ với một dòng sông mà từ thời Môi-se đã được coi như biểu tượng của một nguồn phước hạnh, đó là ‘dòng sông Giô-đanh’, một dòng sông chảy từ phía bắc Ga-li-lê thoải xuống vùng đồng bằng Mô-áp gần Biển chết, một nguồn nước  huyết mạch nuôi sống nhiều dân tộc thuở ban sơ mà trải qua cuộc hành trình 40 năm trong đồng vắng, dân sự của Y-sơ-ra-ên phải vượt qua sông này mới tiến vào được vùng đất hứa. Sách Cựu ước Giô-suê đã ghi lại phép lạ Đức chúa Trời làm ra khi Ngài cho dòng sông rẽ ra tạo một khoảnh đất khô cho mỗi bước đi của các thầy tế lễ khiêng hòm giao ước và mười hai hòn đá đại diện cho mười hai chi phái đã được thu nhặt từ dòng sông này như là một kỷ niệm đời đời cho phép lạ vượt sông.

     Sang thời kỳ Tân ước, sông Giô-đanh do những thuận lợi về mặt đia lý, nên các tụ điểm hai bên bờ sông dọc vùng Ga-li-lê trở thành địa bàn hoạt động rao truyền sứ điệp ăn năn cho kẻ dọn đường cho Chúa Giê-su là Giăng Báp-tít khi ông chọn dòng sông làm nơi rửa tội cho các môn đệ biết quay về với Đấng Tạo Hóa. Nhưng ơn phước lớn nhất tràn chảy về mặt thuộc linh thì phải kể khi dòng sông này được chính Đức Chúa Giê-su đặt chân thăm viếng, rồi như để  cho Lời kinh thánh được trọn, chính Ngài đã để cho Giăng Báp-tít làm phép báp-têm cho mình dù Giăng chỉ là tôi tớ từng thú nhận ‘không đáng xách giầy cho Ngài’. Phép báp-têm đã trở thành phép lạ diệu kỳ khi “Chúa Giê-su vừa ra khỏi nước; bỗng chúc các từng trời mở ra, Ngài thấy Thánh Linh của Đức Chúa Trời ngự xuống như chim bồ câu , đậu trên Ngài. Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.” (Ma-thi-ơ 3: 16,17)Từ đó phép báp-têm trở thành thiêng liêng vì khi dìm mình xuống nước là biểu tượng tội lỗi được tha, và khi ra khỏi nước mỗi kẻ có tội trở thành con người mới trong Chúa.


     Nhân nhớ lại những ngày đầu tin Chúa, kẻ viết bài này ghi nhận một hình ảnh gây ấn tượng mạnh mỗi khi bước chân vô nhà thờ hội thánh trung ương Phú nhuận là bức tranh đặt ngay chính diện trên hồ báp-têm , mà ai đó đã được ơn khắc họa một các tài tình nhằm khái quát cảnh sông Giô-đanh với vẻ tươi mát của bầu trời trong xanh, mặt sông tràn chảy, cây lá trổ bông thắm đậm hai  bờ gợi nhớ sinh động hình ảnh ‘sông nước sự sống’ trong sách Khải huyền, khiến mỗi lần có lễ báp-têm, bức tranh như toát lên tựa như cảnh cửa trời mở ra, Đức thánh Linh ngự xuống và ân tứ tha tội được tuôn đổ trên những linh hồn vừa trở về đầu phục Chúa. Dòng sông phước hạnh với ân tứ thiêng liêng mang dấu ấn của hình bóng ‘báp-têm thiêng liêng’, nơi một lần con Đức Chúa Trời qua thân phận làm người đã từ xứ Ga-li-lê đến cùng Giăng tại dòng sông nầy đặng chịu người làm phép báp-têm.

     Cũng nhân tản mạn về những dòng sông, người viết xin liên hệ để chia xẻ với quý ông bà anh chị em một trải nghiệm đáng nhớ về lần làm phép báp-têm tại hội thánh đầu đời. Sau khi học xong phần giáo lý, Mục sư De và vợ con tôi khuyên tôi làm phép báp-têm để trở thành hội viên chánh thức của hội thánh. Nhưng tôi vẫn chần chờ, lấy cớ muốn học thêm phần giáo lý, nhưng thâm tâm ngại bị gò bó về một số giới luật của đạo.

     Đưa đẩy thế nào, chỉ còn một đêm trước ngày có lễ báp-têm, tôi thao thức suy nghĩ, chợt liên tưởng đến bức tranh vẽ cảnh tươi mát của dòng sông Giô-đanh trên hồ báp-têm, tự nhiên tôi hình dung như ‘cửa trời mở ra’ và có cảm giác là nếu chần chờ ‘cửa sẽ đóng lại’. Sáng sớm hôm sau, tôi thuật lại với vợ tôi và người con gái lớn (là hai người nữ hết lòng đưa tôi về đạo). Hai mẹ con tức tốc tới nhà Mục sư Sơn, người chủ tọa hội thánh, xin cho vào danh sách báp-têm ngay trong đợt này.

     Sau những ngày gian nan, có hai lần  vì mừng mà tôi bật khóc, lần trở về xum họp với gia đình, và lần này sau khi xưng nhận đức tin. Một lần như được sống lại, một lần như được tái sanh. Giọt nước mắt lần trước như đánh dấu sự khép lại của đoạn đời do cha mẹ sanh ra, giọt nước mắt lần sau như trút bỏ đắng cay để mở đầu cuộc đời có Chúa.

     Nay viết lại  kỷ niệm về những dòng sông, lòng nhớ ra riết quê hương của một thời đất nước điêu linh, nhưng cũng được an ủi vì có lời hứa về một quê hương vĩnh cửu, nơi không còn nước mắt, không có sự chết , không còn than khóc, đau đớn nữa...(Khải huyền 21: 4)

      Những ai còn chần chờ, xin nhớ lại ‘Có một dòng sông...’

Đỗ Xuân Thảo
Hội thánh CĐPL Hải ngoại



No comments:

Post a Comment