Friday, April 19, 2013

TỪ NGÀY THỨ NHẤT ĐẾN NGÀY SA-BÁT

       Tháng 9 năm 1957 tôi vào trường Kinh thánh của Giáo hội Truyền Giáo Cơ Đốc ở Đà nẵng, đến mùa Nô-ên năm ấy bà S. vợ ông hội trưởng đạo diễn cho các học viên trình diễn kịch bản về sự tích Chúa Giê-su giáng sinh, do bà sáng tác và dàn dựng. Trong đêm tổng diễn tập, trong lúc hóa trang, bạn tôi là L.A.T hỏi bà S. : Đạo Sa-bát (tiếng gọi thiếu tôn trọng) là đạo gì vậy bà? Bà trả lời: xấu lắm, xấu lắm, họ tin rằng khi chết linh hồn nằm ở âm phủ…v.v… đó là tà giáo. Tôi ngạc nhiên, trong lòng nghĩ rằng: sao bà là một giáo sĩ mà nói những lời như vậy! Trước đây tôi là tín đồ Cao Đài, nên theo sự dạy dỗ của đạo ấy không nên nói xấu hay mạt sát đạo khác.

Do sự việc đó, khơi dậy tính tò mò của tôi, thế rồi một tối thứ sáu tôi rủ bạn tôi cùng đến nhà thờ Cơ Đốc Phục Lâm ở Đà nẵng. Đêm đó ông Hội trưởng Tổng hội Viễn Đông giảng bằng tiếng Anh qua sự thông dịch tiếng Pháp của ông Hội trưởng Liên hiệp hội Đông Nam Á, Mục sư Nguyễn Văn Xuân dịch qua tiếng Việt. Đêm đó diễn giả đã giảng về sự chết của Chúa Giê-su để chuộc tội cho nhân loại… Tôi ngạc nhiên và tự nhủ: như vậy thì làm sao gọi là tà giáo? Họ có giảng sai tinh thần Giăng 4:2,3 đâu. Khi ra về Mục sư Xuân tặng một số sách nhỏ, trong đó có quyển “Hội thánh nào là thật”, nêu lên lẽ thật ngày Sa-bát. Đem về tra cứu  một thời gian ngắn, tôi tiếp nhận lẽ thật trong lòng. Tôi viết thư liên hệ với ông Hội trưởng Giáo hội ở Sài gòn tỏ bày sự nhận định lẽ thật của mình, và xin thêm sách đọc. (Nhưng vẫn tiếp tục học trường Kinh thánh của Giáo hội Truyền giáo Cơ Đốc)

Vì đây là một giáo hội mới và mở rộng, nên cần người đi “vỡ đất mới”, do đó mỗi khóa học 1 năm đưa học viên “ra đồng lúa” thay các bạn cũ về học năm thứ hai. Tôi được đưa đến huyện Hoài ân, tỉnh Bình định, nơi đây chưa có một tín đồ nào. Tự mình đi “khẩn hoang”. Mỗi truyền đạo phải rao giảng cả cho người Kinh lẫn người Thượng du.

Từ ngày nhận lẽ thật ngày Sa-bát, tôi không dùng từ thánh nhật cho ngày thứ nhất nữa.

Ở đây hai năm (1958 và 1959) Chúa cho được 10 người chính thức tiếp nhận Chúa. Đây là một vùng Thiên Chúa giáo rất đông, cũng gặp không ít khó khăn, kể cả dư luận rằng đã có sự bắt bớ của chính quyền ở những nơi khác. Trong hai năm này tôi nhận thấy dân chúng ở đây rất e-dè chính quyền. (Thời kỳ thịnh vượng của chính quyền Ngô Đình Diệm).

Hết kỳ hạn tôi trở về học năm thứ hai. Trong hai năm này tôi vẫn thư từ trao đổi với Mục sư Lê Hựu, vì ông được ông Hội trưởng lúc đó là ông Tilstra giao phó việc này.

Ra trường tôi được đưa đến Cam lộ, Đồng hà, Quảng trị, chuyên rao giảng cho người Kinh. Cùng hầu việc Chúa có ông bà Giáo sĩ Spraget, người Anh, và ở làng trên có ông N.T.Phấn phụ trách miền Thượng.

Tôi lại nhận và viết thư cho Mục sư Lê Hựu để khẳng định niềm tin ngày Sa-bát của mình và trao đổi vài vấn đề khác.

Đầu năm 1962 nhận được thư của Mục sư Lê Hựu báo tin Giáo hội sắp mở một khóa Kinh thánh đào tạo những người tình nguyện đi hầu việc Chúa mới, và khuyên tôi nên quyết định. Nhận được thông báo, tôi viết thư trao đổi và hỏi xem cung cách để được theo học. Theo tập quán của Giáo hội thì những mục sư, truyền đạo hoặc linh mục các giáo phái bạn khi gia nhập Giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm, thì họ chỉ học một năm để hiểu hết những giáo lý đặc thù mà thôi.

Tôi viết một lá thư xin từ chức truyền đạo gởi Ban Quản Trị của Giáo hội Truyền giáo Cơ Đốc. Nhận được thư từ chức, họ cử ông Hội trưởng người Việt là Mục sư H. T. Nhựt đến gặp tôi để biết rõ lý do từ chức của tôi. Vừa gặp lúc tôi về Đà nẵng thăm nhà tôi đang ở bệnh viện hộ sản, Mục sư H.T. Nhựt gọi tôi đến văn phòng. Ông muốn tôi cho biết lý do từ chức. Vì không muốn phiền lòng, tôi xin lỗi cho tôi miễn trả lời lý do, tôi nói với ông tôi đi vài ngày thôi thì các ông sẽ biết, vì tôi có nói cho người hầu việc Chúa ở nhiệm sở gần tôi biết lý do tôi đi. Mục sư Nhựt đưa ra tiếp ba câu hỏi:

- Tôi nghe nói thầy sẽ viết báo cho một đoàn thể nào đó?

- Tôi nghe nói thầy trở lại đạo Cao Đài?

- Tôi nghe nói thầy sẽ đến với đạo Sa-bát (tiếng thiếu tôn trọng)?

Sau mỗi câu hỏi ông đều giảng cho tôi rất nhiều, đại khái là dùng Kinh thánh khẳng định những việc tôi định làm là không đúng.

Tôi yên lặng và giữ lễ độ đối với bậc thầy.Ông nói xong tôi xin phép thưa: Thưa ông, tôi ra đi có mục đích, nhưng xin ông cho phép tôi được yên lặng, vì vài ngày sau tôi đi, chắc chắn quí ông biết rõ.

Trước khi lên đường, ông Mục sư N.V.Lịch Tổng Thư Ký Giáo hội mời tôi ăn cơm, và tỏ bày: nếu thầy thấy ngoài đó quá khó khăn, chúng tôi chuyển thầy về làm Tuyên úy ở Cô Nhi viện An Hải…(bên kia sông Hàn Đà nẵng).Tôi nói mấy lời cảm ơn và xin lỗi.

Trong thời gian này ông Hội trưởng Tilstra ra thăm Đà nẵng, Mục sư Phạm Thiện theo ý ông Hội trưởng cho người gọi tôi đến gặp. Tôi đến, ông Tilstra nói chuyện với tôi rất lâu, hỏi tôi về niềm tin và nhất là lẽ thật ngày Sa-bát. Ông cho tôi biết sự học tập của các học viên trường Kinh thánh là hoàn toàn tự túc, Giáo hội không có trợ cấp, chỉ tạo điều kiện cho các học viên đi làm ngoài giờ học để nuôi sống mình và đóng học phí.

Ông biết vợ tôi có học về y tế, Giáo hội có bệnh viện, nhưng ông không hứa hẹn điều gì cả, vì việc đó thuộc quyền của Ban Quản đốc Bệnh viện. Tuy nhiên ông cũng có thể trình bày với họ về trường hợp của chúng tôi, việc thu nhận hay không ông chưa biết. Ông khuyến khích tôi, vì đây là khóa học rất thuận lợi cho các học viên.

Ông tỏ ý muốn gặp vợ tôi, bà sinh được 20 ngày, vợ tôi đến, ông hỏi vợ tôi có tin vào ơn cứu rỗi của Chúa Giê-su không? Và  chị tin nhận Chúa khi nào? Nhà tôi trả lời là bà tin nhận Chúa từ trong bụng mẹ… và cha mẹ đang hầu việc Chúa. Ông dặn dò nhà tôi hãy khuyến khích tôi, để tôi có thể tiếp tục học và trở nên một nhà truyền giáo tốt trong tương lai.

Tôi vào Sài gòn, đến gặp Mục sư Lê Hựu, các ông bàn bạc cho gia đình tôi tạm ở trong nhà tiền chế bỏ trống sau nhà thờ Phú Nhuận. Họ cũng báo tin cho biết Bệnh viện Cơ Đốc cũng đã nhận vợ tôi làm điều dưỡng phụ. Tạm ổn định chờ ngày nhập học.

Học xong năm đầu tiên, trong cuộc họp của ban Trị Sự Địa Hạt, Mục sư Lê Hựu nhắc đến việc tôi đã xong năm học, theo qui định cho tôi ra trường để đi truyền đạo. Ban Trị Sự, nhất là hai ông Hội trưởng Tilstra và Đốc học Burton, quyết định cho tôi học đủ cả ba năm. Mục sư Tilstra gọi tôi đến nhà ông, có Mục sư Lê Hựu thông dịch, ông cho tôi biết: thật ra sau khi tôi đến đây, các ông có cho người đến dò hỏi những người quen biết bên Giáo hội Truyền Giáo Cơ Đốc về tôi, và bây giờ sau một năm học, Giáo hội đã quyết định để tôi học tiếp cho đến khi tốt nghiệp. Để tôi an tâm ông báo cho biết Giáo hội sẽ cấp một học bổng hầu tôi có thể tiếp tục chương trình học,  bù lại tôi phải làm việc cho nhà trường Trung Tiểu Học Cơ Đốc Sài gòn 4 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Thế là tôi tiếp tục học, và rất thích thú đối với tôi là ngoài Kinh thánh ra còn có những môn học mới để mở mang kiến thức như: Lịch sử thế giới, Tâm lý học quần chúng, Sinh vật học, Tiến hóa thuyết hay Tạo hóa thuyết v.v…

Tốt nghiệp xong tôi đi hầu việc Chúa cho đến bây giờ.

Con đường từ ngày thứ nhất đến với lẽ thật ngày Sa-bát là như vậy đó.

Tạ ơn Đức Chúa Trời về sự dẫn dắt tôi từ một chỗ tối tăm đến với ánh sáng của Ngài, và bảo bọc cho tôi qua bao đoạn đường cam go cho mãi đến hôm nay. A-men!
Nguyễn Quốc Thái
Photograph by Thi Tăng

No comments:

Post a Comment