Friday, April 26, 2013

Tha thứ…Chuyện không dễ đâu

http://sphotos-a.xx.fbcdn.net/hphotos-prn1/p480x480/68579_567100039988038_1286219234_n.jpg
Đỗ xuân Thảo


Đã là Cơ đốc nhân thì một trong những điều được dạy dỗ đầu tiên là sự tha thứ. Chẳng vậy mà trong Kinh Thánh Tân ước, môn đồ của Chúa luôn thắc mắc về sự tha tội, nói gần hơn là sự tha lỗi một khi mình phạm lỗi hoặc ngược lại khi người khác mắc lỗi với mình.

Ít nhất có lần sứ đồ Phi-e-rơ, người đầu đàn trong nhóm tông đồ tiên khỏi đã thẳng thắn hỏi Chúa Giê-su, ‘Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần chăng? Ngài đáp rằng: ta không nói cùng ngươi rằng đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy (Ma-thi-ơ 18: 21, 22).

Trong cuộc sống hàng ngày đặc biệt trong quan hệ giữa người với người, việc mắc lỗi lầm là điều không tránh khỏi, có chăng là ở mức độ tính chất vụ việc hoặc lập đi lập lại bao nhiêu lần. Người có lòng độ lượng chẳng ai chấp chi với những lỗi lầm xem ra ai cũng có thể vấp phạm và sự tha  thứ cho nhau đôi ba lần trong tinh thần chin bỏ làm mười, trong tình hàng xóm, trong đạo cha con, trong nghĩa vợ chồng cũng là điều dễ hiểu. Nhưng bỏ qua cho nhau đến bảy lần khi có ai  ‘phạm tội cùng mình’ thì người ấy chắc phải là tông đồ đạo sĩ, chứ ngay trong hàng tôi tớ Chúa cũng khó kiếm ai, ‘nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn’.

Ấy vậy mà giáo lý của Chúa đã đi xa hơn, xa đến mức mà những kẻ vốn yếu đuối như chúng ta không thể mường tượng nổi khi Chúa phán chẳng phải bảy lần đâu mà phải làm đến bảy mười lần con số Phi-e-rơ gợi ý. Qua con số và đối thọai ngắn này, Chúa đã nhắn gửi cho con cái Chúa một thông điệp sinh động về sự tha thứ mà Chúa biết cội rễ của các điều ác là do con người vốn hay ghen ghét, tị hiềm, sân si hận thù nhau.

Nên chi một khi biết tha thứ cho nhau như lời Chúa dạy, thì hòa khí sẽ phục hồi,  tình người sẽ thắm đậm, tình yêu thương có cơ may nảy nở vì vốn dĩ ‘tình yêu thương hay dung thứ mọi sự’ sẽ làm cho con người gần nhau hơn, hòa thuận với nhau hơn, từ đó cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, vui hơn, đẹp hơn.

Cũng bàn về sự tha thứ, từ nhỏ tới lớn, từ trẻ đến già, mấy ai mà chẳng một lần hay nhiều lần, trong một ngày một tuần chứ đừng kể đâu xa, đã có sự tha thứ cho kẻ lân cận mình hoặc nhận được sự thứ tha từ người mình mắc lỗi hoặc phạm tội với cá nhân hay tập thể xa gần. 

Nhìn dưới góc cạnh thuộc linh thì sự tha tội là một tố chất luôn được mọi người cầu tìm, mà cụ thể trong Bài cầu nguyện chung Chúa Giê-su đã dạy cho môn đồ và con cái của Ngài cách cầu nguyên. Ngài không quên nhắc  ba yếu tố thiết yếu cho con người là đồ ăn, sự tha tội và sự cám dỗ. Đặc biệt sự tha tội không phải chỉ xin và được ban cho, mà Chúa có kèm thêm một điều kiện chính người được tha tội cũng phải sẵn lòng tha thứ kẻ phạm tội nghịch cùng mình. Chẳng vậy  mà mỗi tín đồ trên căn bản ít nhất một lần trong ngày đã cầu xin Chúa, “Xin tha tội lỗi cho chúng con,như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.”

Từ lời cầu xin này, mặc nhiên hai vế của sự tha và được tha như đan cài vào nhau, bổ túc cho nhau, một khi Chúa đã tha và cởi trói cho tội nhân  thì kẻ được tha cũng đừng nên cố chấp buộc tội anh em mình.

Trong một đoạn Kinh thánh khác cũng bàn về sự tha tội, Chúa còn dặn dò kỹ hơn mà người đọc trong tinh thần tự giác có thể hiểu như một lời ‘răn đe’ thích ứng, “Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy.” (Ma-thi-ơ 19: 35).

Nói thật lòng do cứ trăn trở vì câu KT này mà tôi nghĩ nhiều bà con anh em tín hữu mình cũng cùng suy nghĩ như tôi sẽ cảm thấy ‘áy náy’ khi còn phân vân cố chấp không chịu tha lỗi cho ai đó, hoặc có tha nhưng chưa trọn vẹn vì lòng thì muốn tha nhưng trí vấn lấn cấn chưa chịu….quên. Cho nên sự tha tội tha lỗi là một tiến trình nói thì dễ  nhưng làm thì khó, chu kỳ trói buộc cởi tha gần như xảy ra như cơm bữa trong quan hệ cộng đồng, vì vậy mà mỗi người chúng ta cần Ơn Thánh Linh soi dẫn và giúp đỡ điều này.

Tôi nhớ có lần trong dịp đi sinh hoạt Traị hè tại San Jose, tôi ngồi ăn potluck chung với ông bà Mục sư Phạm Minh Hoàng. Ông bà coi tôi như em và cho phép tôi xưng hô Anh Chị.  Do cơ may gần gũi và biết mục sư vốn có thời hoạt động cho phía bên kia, nay ra hải ngoại sau những tháng ngày gian truân ông đã quay về sốt sắng hầu việc Chúa, tôi có nêu một thắc mắc mà chân tình tôi muốn thổ lộ với người mà tôi luôn tin kính. Tôi nói, “Không hiểu sao tụi VC nó nhốt em mười mấy năm mà sao em không thấy thù Cộng sản. Tất nhiên không ưa chế độ thì có nhưng không ‘ghim’ sự hận thù như đa số các bạn bè của em.”  Ông tủm tỉm cười nhưng lại nói nghiêm túc, ‘’Chúa làm điều này cho chú, chứ không chú cứ thù họ thì chú khổ.”  Bà Chị ngồi cạnh mặt đăm chiêu như thương cảm cũng gật đầu ưng ý. Sau nghiệm lại tôi thấy đúng, cứ vương vấn trong lòng điều gì thì trước hết mình khổ, đối tượng mình giận mình hận mình thù tốt hơn là hãy quên đi.

Nói đến hãy quên đi, tôi nhớ mài mai cũng là tựa đề một bài giảng của một tôi tớ Chúa khi ông có dịp qua thăm Mỹ và một số hội thánh tại nam và bắc Cali. Trong bài chia sẻ phần mở đầu ông có nhắc nhiều về một thời đã là tù nhân Cộng sản sau ngày 30-4-75. Giọng điệu vẫn còn cay đắng tuy có pha chút châm biếm, nhưng ông khuyên mọi người nên quên dĩ vãng như chính ông đã quên. Bài giảng rất chân tình, xúc tích và được ơn, khi nghe trên mạng tôi học hỏi được nhiều điều.

Mấy tuần sau  ông xuống nam Cali, và lại chia sẻ lời Chúa  tại hội thánh tôi. Nhưng lần này là một đề tài khác mang tính dạy dỗ, không đi sâu vào những trải nghiệm cá nhân. Rất tiếc, nếu ai để ý thì vẫn thấy ông kể chuyện ở tù dù chẳng có liên hệ gì đến bài chia sẻ. Cuối phiên nhóm, trên lối vào phòng dùng potluck, tôi đã gặp ông và vui miệng nói, “như vậy là thầy vẫn chưa quên?”. Ông vốn tinh ý hiểu ngay ý tôi và trả lời vui vẻ (bằng một giọng Quảng đặc sệt dễ thương) đại để, mải nói nên tự nhiên nhắc lại chuyện xưa, chứ tôi cũng như anh mình nhớ để làm gì…

Để khép lại bài viết, không gì thích hợp hơn tôi muốn bà con mình trở lại câu Kinh Thánh mà mục sư  Nguyễn Quốc Thái  trong bài viết hồi niệm về những ngày đầu tin  Chúa, động cơ giúp ông thật lòng tìm về với đức tin chính là được cảm động về câu nói của Chúa Giê-su khi Ngài sắp trút hơi trên cây thập tự đã tỏ lòng độ lượng vô biên với những kẻ đã hãm hại mình khi  khẩn cầu Cha của Ngài ở trên trời, “ Xin Cha tha tội cho họ vì họ làm điều mình không biết”.

Đỗ Xuân Thảo

No comments:

Post a Comment