Sunday, April 14, 2013

Chuyện bút danh và niềm vui chứng đạo

 


Đỗ Xuân Thảo

Dù muốn hay không muốn, ai đi vào con đường viết lách cũng muốn tìm cho mình một bút danh. Chuyện này xem ra cũng bình thường. Nhớ lại vào đầu thập niên ’60, theo yêu cầu của một linh mục hiệu trưởng một trường tư thục nhỏ ở thành phố biển, mấy anh em chúng tôi những kẻ ngoại đạo đã lấy vài biệt danh cho dễ nổi khi quảng cáo cho trường. Tôi chẳng khó khăn gì khi chọn cho mình danh xưng thầy Xuân Đỗ, chuyên dạy văn & sử. Mấy ông kia chuyên đề các môn khoa học và ngoại ngữ cũng chọn mấy cái tên khá kêu, đến nay ra hải ngoại có người đã dịch thơ Du Tử Lê và tiểu thuyết văn học Mỹ, có ông viết cả một bộ trường thiên tiểu thuyết dã sử được đánh giá cao. Ít năm sau, thầy hiệu trưởng đi tu nghiệp ở chủng viện Mỹ rồi người ở lại luôn, các thầy giáo trẻ bị động viên vô lính, các thầy lớn tuổi thì học trò (đa số là nữ) không thích nên đổi trường. Tư thục tan hàng từ đó, các biệt danh một thời cũng theo gió mà bay.

Tưởng chẳng bao giờ còn ngó ngàng đến cái tên Xuân Đỗ, bỗng bốn mươi năm sau, nhân có hai tờ  báo lớn ở quận Cam họ tổ chức các giải thi viết về hai chủ đề liên quan đến cộng đồng hải ngoại, một viết về những câu chuyện thực nhằm trao đổi những kinh nghiệm sống trên nước Mỹ, một viết về chuyện tù cải tạo thuật lại các trải nghiệm trong tù sau chiến tranh. Lúc này tôi đang sống xa quận Cam nên được một ông bạn H.O. nhắn lại, ‘tao thấy mày có thể viết được, giá chót cũng ăn giải khuyến khích (báo nào cũng định giá 300 đô), tham gia cho vui, có tiền nhớ kêu tao.’

Biết mình có cả ‘kho’ chuyện do bà vợ thường hay trao đổi, lại có cả tiền mặt, tôi hăm hở hưởng ứng ngay. Chợt suy nghĩ lại xưa nay toàn viết loại văn tuyên truyền chính luận bây giờ dưới dạng văn chương bút ký muốn ăn giải cũng khó, nhất là sau này ra hải ngoại nhiều ông lính cựu quay sang cầm bút viết truyện đời mình, viết cho đồng đội, viết cho cộng đồng, tài hoa cũng đáng nể, thôi kệ cứ viết nếu cần cóp lại giọng văn của mấy ông (bà) nhà văn mình hâm mộ.

Kết quả sơ khởi bài viết chuyện tù cải tạo của tác giả Xuân Đỗ được chọn làm bài đăng trong số báo khai trương cho giải, có cả phần minh họa nội dung với bức tranh cảnh tù Yên bái của một họa sĩ tên tuổi chiếm 1/4 trang báo của tờ Viễn Đông. Tự tin là có thể nhận được ‘tiền mặt’ ở giải cao hơn, nhưng kết quả so với hai trăm truyện dự giải cũng chỉ khiêm tốn ở mức…khuyến khích.  Sau này hỏi nhà văn Văn Quang (giám khảo), ông nói truyện đó hay nhưng người ta yêu cầu những trải nghiệm máu và nước mắt, cậu lại đem khía cạnh nhân bản tình người qua câu chuyện giữa viên trại trưởng và người tù (đều là lính của hai bên). Nói vậy chứ về sau cũng được đưa vào tuyển tập.

Ngày phát giải tôi có đưa bà xã cùng đi dự. Giữ lại tấm bằng tưởng lệ, tôi trao chi phiếu ba trăm cho người vợ đã chia ngọt sẻ bùi trong thời gian xa nhau mười hai năm có lẻ. Bỗng tình huống xoay trở ngoài dự kiến. Trên đường ra parking bà vợ đột nhiên quay lại tòa báo, gặp bà Hạnh Nhơn đang ngồi quyên tiền cho TPB và nói, ‘xin chị nhận cho em tấm check này, để em nhờ họ sửa thành tên chị cho  quỹ TPB/HO của chị’. Bà già 83 tuổi người mẹ tinh thần của các Thương phế binh tại quê nhà vội vàng gạt phắt, ‘chị đang ăn tiền già đừng đề tên chị, em cứ bảo họ đề tên của Quỹ cho danh chính ngôn thuận’. Bà cũng không quên lấy tên để đăng báo danh sách ân nhân, nhưng được trả lời xin chị cứ ghi ‘ẩn danh’.

Hơn một năm sau, tôi lại có tên trong danh sách ứng viên giải chung kết Viết Về Nước Mỹ, sau khi đã viết liên tục 11 truyện đóng góp trong vòng một năm trên Việt Báo (đến nay đã có cả hơn 200.000 lượt người đọc). Được giải rồi, tôi quyết định không tham gia các năm kế tiếp, tôi biết nếu tiếp tục sẽ có thêm ‘tiền mặt’. Tôi quay sang viết cho nhiều báo ở quân Cam và các trang web (tất nhiên không có nhuận bút và họ đăng cho là vui rồi). Bút hiệu Xuân Đỗ lẽo đẽo theo tôi từ đây và niềm vui tuổi già không gì bằng được đọc và viết để chia sẻ cùng đồng hương những trải nghiệm buồn vui trên đất Mỹ.

Nhờ mấy cái giải thưởng của báo giới, bút danh của tôi dần dần xuất hiện trên các tạp chí văn chương và các trang mạng văn học, từ Tân Văn cho đến Da Màu, Tiền Vệ, Sáng Tạo, từ T.Vấn & bạn hữu cho đến Talawas, Giao cảm, Cỏ thơm…nhìn chung bài vở được các chủ biên ân cần đón nhận, có tờ còn coi tôì là cây viết chủ lực. Tôi có duyên với các truyện thuộc mảng đề tài về tù cải tạo, cuộc sống ở Mỹ và các bài tạp ghi, điểm sách văn học.

Tuy không khó khăn chuyện đăng tải gửi bài, nhưng lại long đong chuyện bút danh bút hiệu. Số là khi viết cho Sài gòn Nhỏ bài vở khá đều, một hôm nhận được e-mail của bà Chủ Bút/Chủ nhiệm liên quan đến một bài viết về Thầy Thích Thanh Long (truyện Thầy & tôi). Bà chuyển nguyên văn điện thư của một nữ độc giả tiết lộ là ông Xuân Đỗ không ở cùng Thầy trong trại, ông không hề ra Bắc, bút hiệu là tên của một tác giả khác, chuyện viết về Thầy cũng không được chính xác lắm v.v…Chuyện khá dài dòng nhưng chỉ biết người nữ độc giả cũng có lý của bà, khi có một tác giả khác cũng trùng tên…Xuân Đỗ, ông này có đi tù nhưng không ra Bắc, ông đã có một tác phẩm xuất bản liên quan đến chuyện tù. Tên ông là Đỗ Xuân Tr., người quê Hội An, bạn đồng nghiệp của nhà văn Đỗ Tiến Đức và được ông  Đức chọn cho bút danh Xuân Đỗ theo kiểu Mỹ đọc ngược. Trùng hợp là ông cũng cộng tác với SGN, tôi biết nhưng cứ ỷ y là biệt hiệu mình đã chọn từ những năm ’60, cũng chẳng ăn theo gì danh tiếng của ông, lại tiếc cho cái bút hiệu của mình vun bồi mãi mới thành danh, các giải thưởng hình chụp báo đăng đều đề tên XĐ, nên đi hỏi ý kiến mấy bạn văn thì họ bảo anh cữ giữ, thiếu gì các tác giả trùng tên.

Đang phân vân thì trùng lúc sau này mấy bài viết của ông XĐ ‘thật’ không được hay lắm lại sợ mang tiếng tiếm danh, XĐ ‘giả’ là tôi quyết chí đi tìm một bút danh mới. Thế là cái tên Đỗ Xuân Tê ra đời từ đây.

Tôi khai trương bằng một truyện ngắn tâm đắc, ‘Giọt lệ cho người xứ Bùi’ viết về người tù đầu tiên nằm lại Yên bái và được chọn đăng ngay dù là tác giả …mới. Có một người không vui là nhà văn Huy Phương, người cùng đơn vị cũ, ông bảo ít ai có cái tên đẹp như anh, sao không lấy tên Đỗ xuân Thảo cho nó ổn. Thế rồi cái chuyện ‘Một cỗ xe trâu’ nhờ ông cho đăng trên Người Việt và mấy bài tôi viết cảm nghĩ về tác phẩm của ông, ông vẫn để tên thật của tôi…theo ý ông!

Chuyện tìm một bút danh nhìn lại cũng nhiêu khê, nhưng vốn đam mê với chữ nghĩa và coi nó như liều thuốc hồi xuân cho tuổi già, nên tôi vẫn tiếp  tục viết. Sau này tôi mới hiểu có khi lại là một ‘ân sủng’ khi người viết biết dùng ngòi bút của mình làm chứng đạo trên các trang mạng tâm linh của hội thánh nhà.

Tôi nhớ khoảng cuối 2006, tình cờ tôi gởi một bài tôi dịch từ Anh ngữ, có tựa đề ‘Thông điệp từ một cuốn Sách’ cho nguyệt san Tiếng Nói Hy Vọng do MS Nguyễn Khắc Vinh chủ biên. Tôi  lấy tên thật và Mục sư đã cho đăng ngay. Dù chưa biết tôi có khả năng viết lách nhưng về dịch thuật ông mời tôi tham gia Ban chuyển ngữ Bài học Sa-bát, dần dà ông khuyến khích tôi viết bài cho TNHV cho vui. Lúc đầu tôi phân vân vì không quen viết chứng đạo, sau nể lời tôi thử tham gia. Chẳng tìm đâu xa, tôi lấy ngay những gương người thật việc thật của đạo mình từ hồi còn ở hội thánh Phú nhuận và sau này ra hải ngoại, cùng những trải nghiệm của gia đình tôi tìm về với Chúa, viết thành các bài chứng đạo và may thay được mục sư chủ nhiệm và tín hữu xa gần e-mail ân cần khích lệ.

Đáng chú ý là chỉ ít lâu sau, trang web đầu tiên của CĐPL người Việt tại hải ngoại có tên tinhưu.net do anh Tăng Thi quản trị miền và đứng Chủ biên đã đăng một lúc 5 bài viết tiêu biểu của tôi trích từ TNHV. Anh Võ Sua thông báo cho tôi, rồi như có duyên và được ơn tôi tham gia thường xuyên cho trang nhà từ ngày ấy (xin xem bài viết kỷ niệm 5 năm Tinhưu.net ra mắt Năm năm - một chặng đường (2011). >> http://www.tinhuu.net/Nnmcd ...

Cũng nhân viết về niềm vui chứng đạo, tôi rất cảm kích khi có cơ may những bài viết của mình được chọn đăng lại trên nguyệt san Muối của Đất và vài trang mạng CĐPL trong nước và chỉ một năm mới đây lại có dịp xuất hiện trên diễn đàn Cựu Học Sinh Cơ Đốc mà tôi biết behind the scene có sự góp tay của chị Kim Cúc, một sân chơi dành cho những ý kiến liên quan đến sinh hoạt hội thánh và cộng đồng không nhất thiết là quan điểm chính thức của Giáo hội hoặc thừa nhận bởi nhóm Chủ biên. Bản thân tôi xem ra hạp với diễn đàn này vì giúp tôi viết được thoải mái hơn về những vấn đề bà con tín hữu cùng quan tâm.


Đỗ Xuân Thảo


No comments:

Post a Comment