Trong số các nhân vật thời Cựu ước, Đa-vít được kể là khuôn mặt nổi trội trong hàng tôi tớ của Đức Chúa Trời mà cuộc đời thăng trầm và tài năng đa dạng của ông đã ảnh hưởng sâu đậm đến tiến trình lịch sử của vương quốc Y-sơ-ra-ên và dân tộc Do Thái hàng ngàn năm sau.
Quả thật ông là một con người đa diện với ta-lâng thiên bẩm đã trở thành nhân vật được nhắc tới hơn một ngàn lần trong Thánh Kinh, cũng là một tôi tớ duy nhất được Chúa chọn ‘vừa lòng Đức Chúa Trời’ trong thời Cựu ước.
Trải qua các thế đại, Đa-vít được các nhà phê bình Kinh thánh, phê bình văn học, các nhà sử học của thế giới khi viết về ông đã phong tặng các chức danh, các danh hiệu, các tên gọi vừa cao trọng hiếm thấy vừa dung dị đời thường tỷ như: người chăn chiên hiền lành, người dũng sĩ đảm lược, người nghệ sĩ có ngón đàn tuyệt vời, một nhạc sĩ biết soạn thánh ca lễ nhạc, một nhà thơ tác giả Thi thiên, một người tình tuyệt vời, một ông thánh, một kẻ tội lỗi khó tha thứ, một kẻ tại đào, một người cha bất lực, nhưng cũng là người bạn chung thủy, người tôi tớ trung tín, một anh hùng đức tin, một nhà lãnh đạo tài ba nhìn xa trông rộng, một ông vua lý tưởng, một người biết xây thành, một tư lệnh đạo quân luôn chiến thắng, một chủ tướng mở mang đế quốc… và còn nhiều danh vị danh xưng khác đã đi vào huyền thoại có một không hai trong hàng danh nhân thế giới.
Gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp, Đa-vít mặc nhiên có vị trí cao trọng trong lịch sử Do-Thái không hẳn chỉ trong lãnh vực chính trị quân sự mà trải dài qua các phạm trù thần học, triết học, văn học thơ ca, của cả dân tộc Y-sơ-ra-ên. Có nhiều sách đã viết về Đa-ví như một Con người, Đa-vit- như một Vị Vua, Đa-vít người Anh Hùng Đức Tin. Riêng tôi, trong phạm vi bài viết ngắn này, xin tản mạn đôi điều sau khi được đọc, được học qua hai Sách Sa-mu-ên và Các Vua để lạm bàn về chất nghệ sĩ trong con người dũng sĩ của Đa-vít mà những vần thơ ngọt ngào trong Thi Thiên và ngón đàn tài hoa trong lễ nhạc đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những nhà văn nhà thơ nhà soạn nhạc của các thế kỷ sau.
Xuất thân là một người chăn chiên, một nghề nghiệp nhờ tố chất của nó đã sản sinh nhiều người lãnh đạo kiệt xuất trong thời Cựu ước, ở tuổi thiếu niên, Đa-vít được cha cho đi chăn dắt đàn chiên của gia đình nên đã phải xa nhà nhiều ngày đêm trong năm, quen chịu với thời tiết giá rét, thú dữ rình mồi để sẵn sàng chống trả, bảo vệ đàn chiên và tìm những đồng cỏ xanh tươi cho chúng.
Chính vậy mà ông đã biết bắn nỏ, bắn ná, dùng gươm, phóng dao, phóng giáo một cách thành thạo, kể cả dùng tay chiến đấu trực tiếp với gấu và beo để giành lại những chiên của mình. Tiếng đồn vang ra khắp các thung sâu núi cao để rồi trở thành chàng dũng sĩ thiếu niên đã địch lại người khổng lồ qua giai thoại Đa-vít và Gô-li-át, sau này trở thành thuật ngữ trong chiến trận khi nói về các cuộc đọ sức không cân xứng mà người nhỏ, nước nhỏ vẫn đánh thắng người khổng lồ, nước lớn.
Bản thân là một dũng sĩ do hoàn cảnh và thời thế taọ nên, nhưng cũng chính vì trải qua những ngày đêm cô đơn trong không gian thinh vắng chỉ làm bạn với đàn chiên, với cỏ cây hoa lá, với sương đọng tuyết rơi, Đa-vít đã tự giải khuây bằng tiếng đàn của mình, một loại đàn lya (lyre) rất phổ biến trong thời đại ông, dần dà do thiên bẩm nên biết hát và biết soạn các bài ca cho riêng ông.
Ở tuổi 18, ông đã trở thành một tay chơi đàn lỗi lạc, tiếng đàn du dương ngọt ngào có sức mạnh giải phiền, an ủi làm vui cho mọi người, mà còn xua đuổi được ác thần, ác tưởng trong tâm trí người nghe, cụ thể như vua Sau-lơ vì những áp lực stress trong công việc triều chính lại hay bị quấy nhiễu bởi những ác thần trong tâm can nên ngỏ ý cần một thanh niên có ngoại hình đẹp, có ngón đàn hay, biết đánh giặc giỏi, biết thận trọng trong lời ăn tiếng nói, thì vừa lúc Đa-vít ở tuổi này ông đang là một chàng thanh niên đẹp trai, da dẻ hồng hào, có đôi mắt xinh lịch, về chiến trận đã có thành tích diệt được Gô-li-át, niềm hãnh diện cho dân Do-thái, lại biết xử dụng thành thạo các loại binh khí, và đặc biệt là có ngón đàn ‘thần sầu quỷ khốc’ đúng như ý muốn của vua (I Sa-mu-ên 16:17-23).
Nhờ những tiêu chuẩn và thành tích như vậy mà ông đã được vua Sau-lơ tuyển chọn cho làm nhạc sĩ cung đình, người gảy đàn riêng cho vua, người mang vác binh khí cho vua khi chiến trận. Ông đạt trọn vẹn lòng tin của Sau-lơ không chỉ làm cho vua được giải khuây mà về sau này khi theo vua đi chiến trận, ông đã đạt những công trạng vượt trội cả vua. Các câu đồng dao, ‘Sau-lơ giết hàng ngàn/ Đa-vít giết hàng vạn’ được truyền tụng trong dân gian, đã dự báo cho số phận của Đa-vít không còn an toàn khi nhà vua tỏ lòng ghen tị rồi đổi thành thù nghịch nhiều lần muốn cướp mạng sống của Đa-vít, và nếu không được Chúa phù hộ quan phòng như Đa-vít hết lời cảm tạ trong các bài thơ Thi Thiên sau này thì Đa-vít chẳng còn có dịp sống sót mà lên ngôi vua, mở đầu cho một triều đại huy hoàng cho vuơng quốc Y-sơ-ra-ên.
Hai đặc điểm lớn trong con người Đa-vít, khi xử dụng ta-lâng Chúa cho không phải để mưu cầu vinh thân phì gia, bước lên những bậc thang danh vọng của đời, mà luôn là để phục vụ trên hết là Chúa, dưới là Vua, luôn khiêm tốn qui vinh hiển về cho Đức Chúa Trời, nên ta không lấy làm lạ khi xung trận kể cả khi đối địch Gô-li-át ông vẫn ‘Nhân danh Đức Giê-hô-va’ mà hành xử trong mọi tình huống.
Ông được kể là Anh hùng Đức tin, và rõ nét là một Dũng sĩ ham cầu nguyện, hay một ‘chiến sĩ cầu nguyện’ như ta quen gọi ngày nay để rồi hòa quyện với tâm tình nghệ sĩ trong tâm thức đã thúc đẩy ông trở thành một người nghệ sĩ biết tôn vinh. Cuộc đời ông theo dòng lịch sử bản thân, trong mọi hoàn cảnh dù khi hanh thông thành đạt hay nghịch cảnh ba đào, ông chỉ biết hết lòng ‘cầu khẩn’ Chúa và nhiệt tình ‘tôn vinh’ Đức Chúa Trời..
Tôi đã được xem một bức tranh minh họa của một danh họa về cuôc rước hòm giao ứơc vào thành Đa-vít, do chính vua Đa-vít cung thỉnh và vô cùng ấn tượng khi Đa-vít mặc ê-phót vải gai, chân đất, vừa đi vừa múa hát trước hòm giao ước cùng đoàn dân ca múa, đánh trống cơm, gõ nhịp, reo tiếng vui mừng, rộn tiếng thanh la, đúng như cảnh tượng được mô tả trong sách II Sa-mu-ên phần Cựu ước. Đa-vít đã thể hiện nét nghệ sĩ chân chất của mình như thế đó. Có người không hiểu cho làm như vậy là ‘nhẹ thể’ nhà vua khiến các con đòi khinh dể mình, trớ trêu thay có cả Mi-ca vợ vua. Bà đã cười khi xem đám rước và còn tỏ lộ sự khinh thường khi trách cứ chuyện này với chồng trong chốn rêng tư. Chẳng hiểu có vì cớ này, nên Sách có ghi lại bà không có con cho đến khi thác.
Bài viết về Đa-vít, người nghệ sĩ thiên tài được mệnh danh ‘người viết Thi Thiên ngọt ngào nhất Y-sơ-ra-ên’ sẽ thiếu sót nếu không trích dẫn một số câu chữ trong sách Thi Thiên mà tổng cộng trong số 150 bài người ta ghi nhận có tới 2/3 do chính Đa-vít vừa làm hoặc chấp bút. Đây là những vần thơ còn gọi là Thánh Vịnh được kể là trước tác không hẳn chỉ về tâm linh mà về giá trị văn học được nhìn nhận và gây cảm hứng cho các văn nghệ sĩ toàn cầu nhiều thế đại sau.
Thi thiên không hẳn chỉ được viết trong thời đại ông, mà nghe nói kể từ khi có vinh dự được mang hòm giao ước về thành Đa-vít, chính ông và những thầy lễ nhạc đã gom góp sưu tập các bản lễ nhạc, thánh ca với các kỹ thuật đệm đàn và nhạc khí của các thời trước đó để dùng trong mục đích tôn vinh Đức Giê-hô-va trong các nghi lễ thờ phượng và dâng hiến của lễ cho Ngài. Nên chi ông luôn kêu gọi con dân Y-sơ-ra-ên, cũng qua một đoạn của Thi thiên,
Hãy dùng đờn cầm cảm ta Đức Giê-hô-va
Hãy dùng đờn sắt mười dây mà ngợi khen Ngài
Khá hát cho Ngài một bài ca mới
Và khéo gảy nhạc khí với tiếng vui mừng
Rồi như để làm gương, chính Người cũng hứa nguyện,
Hễ tôi sống bao lâu, tôi sẽ hát xướng cho Đức Giê-hô-va bấy lâu;
Hễ tôi còn chừng nào, tôi sẽ hát ngợi khen Đức Chúa Trời tôi chừng nấy.
Nhìn chung các bài Thi thiên đều mang nội dung như những lời cầu nguyện, những nguyện vọng muốn tỏ bày cùng Thiên Chúa, ca ngợi quyền năng sáng tạo, quyền uy cả thể của Ngài, đồng thời cũng tôn vinh và cảm tạ Đức Chúa Trời đã quan phòng tác giả qua cơn nguy khốn để vừa mang tính dạy dỗ, vừa làm chứng cho các thế hệ sau về lòng thương xót bao la của Đấng Tạo hóa, Cha chung của muôn lòai…Về cảm quan có người thích bài này có người lại tâm đắc bài kia, cho nên do hạn chế của tiểu luận, tôi chỉ xin đan cử một vài tư tưởng đặc thù xuất phát từ đáy lòng tác giả mà biết chắc là của vua Đa-vít.
Đại để trongThi thiên 14 (câu 3), bày tỏ sự gian ác của loài người và ngu dại của chúng sinh, ông dám viết,
Chúng nó thay thảy đều bội nghịch, cùng nhau trở nên ô-uế;
Chẳng có ai làm đều lành,
Dầu một người cũng không
Thi thiên 16 (câu 1&2) khi luận về cái phước thì nó vô cùng, nhưng trong thâm tâm suốt đời ông thành thực với lòng mình, Đa-vít chỉ tìm thấy một cái phước, đó là ‘Đức Chúa Trời là Chúa của ông’
Đức Chúa Trời ôí xin hãy phù hộ tôi, vì tôi nương náu mình nơi Chúa.
Tôi đã nói cùng Đức Giê-hô-va rằng: Ngài là Chúa tôi;
Trừ Ngài ra tôi không có phước gì khác.
Bàn về luật pháp và điều răn của Đức Chúa Trời, có người cho là nặng nề khó bề thực hiện và gìn giữ trọn vẹn, thì ông lại vui mừng khẳng định trong Thi-thiên 19: 7,8,10 bằng những trải nghiệm tâm linh hiếm thấy ở một con người yêu mến luật pháp của Đức Chúa Trời, ông viết:
Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại;
Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng;
Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa.
Các điều ấy quí hơn vàng, thật báu hơn vàng ròng;
Lại ngọt hơn mật, hơn nước ngọt của tàng ong.
Trong chúng ta, có ai được như Đa-vít khi ông hạ mình nài xin,
Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch,
Và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng
để rồi người viết Thi thiên tự thầm hỏi khi nhìn lại cuộc đời mình, vô tình hay cố ý bản thân nhà vua đã phạm quá nhiều điều gian ác, Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố chấp sự gian ác,Thì, Chúa ơi! Ai sẽ còn sống? (Thi thiên 130:3)
Trích dẫn Thi thiên là chuyện khôn cùng, bài nào cũng lời hay ý đẹp xuất phát từ sự cảm động và gợi ý của Thánh Linh, nên người viết xin khép lại bằng bài Thi thiên phổ cập nhất trong Kinh Thánh mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã đọc đã thuộc một phần hay toàn phần:Thi thiên 23.
Tôi xin quí thân tín hữu vui lòng cùng dở Kinh Thánh để suy niệm nguyên văn bài Thi thiên này mà nội dung chẳng khác gì môt lời Kinh cầu nguyện xưng lên Chúa do chính Đa-vít từ đáy lòng mình muốn bày tỏ niềm tin cậy tuyệt đối khi xưng Đức Chúa Trời là Đấng chăn giữ tác giả ‘Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết/Tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi. Cùng với nguyện vọng tha thiết được bày tỏ xuyên suốt trong Thi thiên, ‘Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo tôi/Tôi sẽ ở trong nhà Đức Giê-hô-va/Cho đến lâu dài.
(Cũng nói thêm bài Thi thiên này qua các bản dịch tiếng Anh mới nhất (ESV), nhóm dịch thuật đã xếp gọn câu chữ hệt như một bài cầu nguyên và được hội chúng nhiều hội thánh dùng nó như lời kêu gọi thờ phượng cùng đọc trong ngày Sa-bát và theo kinh nghiệm riêng của người viết xin chia sẻ là sau Bài cầu nguyện chung Chúa dạy chúng ta trong Ma-thi-ơ, thì đây là bài cầu nguyện mà mỗi con cái Chúa có thể đọc và tôn vinh mỗi ngày)
Đỗ Xuân Thảo
Viết nhân dịp CHSCĐ bên thềm con số 40,000 lượt người thăm viếng
No comments:
Post a Comment