Nhưng hai chữ a-men vẫn là điều bí ẩn và xa lạ, vốn dĩ không thấy trong ngôn ngữ Việt, và nghĩa của nó không được giải thích tường tận nếu không phải là giáo dân đi lễ nhà thờ. Chỉ biết hai chữ song âm này luôn nằm trong phần kết của lời cầu nguyện, dù là lời cảm tạ Chúa của cá nhân trước bữa ăn hay là bài cầu nguyện chung của toàn hội chúng trong phiên thờ phượng, bất kể hệ phái nào miễn là người Cơ-Đốc.
Ấy vậy mà hai chữ a-men về cơ bản ai cũng biết là thuật ngữ khép lại cho một lời cầu nguyện, nhưng dù là tín đồ nhiều người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó, một số ít còn coi a-men như một danh xưng tự thân của Đấng Christ hoặc diễn giải tùy tiện theo cảm quan của mỗi người.
Tìm hiểu thêm, bản thân tôi được biết amen xuất phát cùng một dạng trong cả hai tiếng Hê-bơ-rơ và Hi-lạp, hai ngôn ngữ gốc của Kinh Thánh. Sau này chuyển dịch sang tiếng Anh thì cũng vẫn là amen giống nhau đến độ phát âm hay đánh vần cũng chẳng hề thay đổi. Dần dần sang các thế kỷ sau theo đà phát triển của đạo Chúa và mức độ phổ biến rộng rãi số lượngThánh kinh, amen gần như được coi là từ vựng phổ cập nhất trong ngôn ngữ, thổ ngữ của loài người, dù phát âm hay viết ra bằng tiếng Hê-bơ-rơ, tiếng Gờ-réc, tiếng Anh hay hầu hết các ngôn ngữ khác, trong đó có cả tiếng Việt mình thì cũng vẫn là …amen. Khác chăng do cấu trúc của ngữ Việt nên amen được tách ra thành hai chữ có dấu nối (a và men) thành a-men, nhưng vẫn đọc chung một kiểu, dù ra hải ngoại hay định cư ở bất cứ nước nào thì tín đồ gốc Việt vẫn phát âm hệt như tiếng Anh ‘AMEN’. Điều này ta thấy dịch giả Kinh thánh Phan Khôi đã không tìm được một chữ nào khác hơn trong tiếng Việt nên đã giữ nguyên theo bản gốc tiếng Pháp và chữ Hán, hai ngoại ngữ ông rất uyên bác khi ông dùng để dịch và tham khảo.
Cấu trúc về ngữ vựng thì như vậy nay đi sâu vào ý nghĩa. Khởi đi từ tiếng Hê-bơ-rơ, amen được hiểu như ‘làm cho chắc chắn’, chuyển tải cái ý của mấy chữ ‘xây dựng, hỗ trợ, nâng đỡ’. Sau chuyển sang tiếng Hi-lạp được gợi ý như một thuật ngữ ‘nền móng vững chắc’ nhằm chuyên chở một tư tưởng liên quan đến ‘sự thật’. Chẳng hạn như trong sách Phúc âm của sứ đồ Giăng, khi Chúa Giê-su phán,’Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi… bằng tiếng Hê-bơ-rơ thì khi chuyển sang tiếng Gờ-réc, có ai ngờ hai chữ ‘Quả thật, quả thật’ lại được viết là, ’Amen, amen,…’ mặc nhiên minh họa cho sự liên hệ giữa amen và lẽ thật, cái gì cứ ‘thật’ là ‘amen’.
Một khi a-men được dùng để kết thúc trong lời cầu nguyện, trong khúc thánh ca, trong lời kêu gọi thờ phượng mỗi ngày sa-bát, thì a-men được hiểu như chúng ta công nhận về lẽ thật của nó, chính nó là như vậy, xin được như lời, xin Chúa ban ơn.Ta cũng không lấy làm lạ sau này trong sinh hoạt nhà thờ khi ta nói amen sau bài hát người ta vừa hát là có ý ta đồng cảm với nội dung bài hát, khi diễn giả nói đúng theo lời Chúa và được ơn, có người hô lên amen chẳng qua là thêm một phiếu, thêm một sự đồng ý, hoặc biểu lộ sự đồng tình, hoàn toàn ủng hộ về những gì mục sư, truyền đạo vừa giảng ra, hoặc bà con anh em mình vừa làm chứng.
Nhớ lại trong những năm sinh hoạt chung với Trưởng lão Võ Sua, anh được kể là người hăng hái nhiệt tình nhất khi sử dụng hai tiếng A-MEN mà lúc đầu chưa hiểu tôi thấy khó chịu vì ảnh hưởng sự trang trọng trong lúc thờ phượng, về sau mới biết là chẳng phải ai cũng tư nhiên được Chúa ban cho ơn phước môi miếng này. Cũng trong các bài giảng, nhiều tôi tớ Chúa đã xử dụng a-men như một động từ nhằm dò hỏi bà con hội chúng có đồng ý như người nói, có nhất trí với lời bàn, dần dà thành thủ thuật gây sự chú ý, theo dõi liên tục bài giảng mà dấu ấn rõ nét tôi vẫn thấy trong lối giảng của cố mục sư Phạm Thiện khi Thầy còn sinh thời.
Nay đi sâu vào các trang Kinh Thánh, tất nhiên nổi bật nhất là bài cầu nguyện chung khi Chúa Giê-su dạy ta cách cầu nguyện, trong phần khép lại tôi đặc biệt chú ý nhóm từ trong dấu ngoặc, [Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.] Chữ A-men Chúa dùng trong lời cầu ghi trong sách Ma-thi-ơ được coi như xuất hiện lần đầu trong kinh thánh Tân ước, lạ lùng thay hai chữ A-men dù được lập lại nhiều lần trong các thánh thư của Phao-lô và một vài sứ đồ của Ngài như một lời kết và tôn vinh Đức Chúa Cha, nhưng tới sách Khải Huyền được viết bởi Giăng thì A-men trở thành dấu chấm cuối cùng được hiểu như lời chứng tất cả đều là lẽ thật được viết ra trong 66 cuốn sách của toàn bộ Kinh thánh Tân và Cựu ước dưới sự khải thị và cảm động từ Đức Thánh Linh.
Tới đây tôi cũng xin trích một đoạn ngắn trong sách Khải Huyển 3:14, khi Giăng được chỉ đạo viết cho thiên sứ của hội thánh Lao-đi-xê, “Này là lời phán của Đấng A-men, Đấng làm chứng thành-tín chơn-thật, Đấng làm đầu cội-rễ của cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời…” Trong đoạn này, Chúa Giê-su được xưng là Đấng A-men. Chính Ngài là hiện thân của Lẽ thật. Ngài là Lẽ thật. Lời Ngài phán là thật. Lời hứa của Ngài là thật. Trời đất có qua đi nhưng lời Ngài còn mãi đời đời. Ngài là Đấng A-men đời đời của hết thảy chúng ta..
Từ suy nghĩ như vậy tôi tin là nhiều bà con thân tín hữu của trang nhà cũng ‘a-men’, nên chi a-men trở thành hai tiếng thân quen của Cơ-đốc nhân, một thành ngữ thân thương không thể thiếu trong đời sống tín giáo. Vì a-men là thật, thật với lòng mình, thật với anh em trong Chúa và trên hết thật với Chúa ta vì Ngài là Đấng A-men.
Đỗ Xuân Thảo
No comments:
Post a Comment