Đỗ Xuân Thảo
Sau bốn muơi năm thử thách trong đồng vắng, dân Do-Thái cuối cùng đã đến được đất hứa, xứ Ca-na-an, một vùng đất đượm sữa và mật không hẳn trù phú về mặt vật chất, mà sau này cái tên Ca-na-an còn được các con dân Chúa ở những thế đại sau coi như một biểu tượng thuộc linh.
Một khi nhắc đến Ca-na-an thuộc linh thì được hiểu là vùng đất của quê hương vĩnh cửu, một nơi trời mới đất mới, không còn hận thù, đớn đau, nước mắt tuôn rơi…
Theo sách Phục Truyền Luật Lệ Ký thì dân Y-sơ-ra-ên khi vào được xứ đượm sữa và mật tất nhiên mọi người sẽ được no đủ, “Vậy ngươi sẽ ăn no nê” (câu 8:10). No nê ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cơ ngơi sẽ sung túc, cửa nhà sẽ khang trang, ruộng vườn sẽ tươi tốt, cuộc sống sẽ an bình, tinh thần sẽ sảng khoái…
Có một điều, người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên lúc đó là Môi-se vốn hiểu dân sự mình là cộng đồng hay quên các ơn phước Chúa ban, một khi no đủ rồi thì hay lên mình kiêu ngạo, xa rời những điều răn của Chúa, rồi quên đi Đấng đã ban ơn. Cho nên chính ông đã phải có lời cảnh báo,
‘…lại e sau khi đã ăn no nê, cất nhà tốt đặng ở, thấy bò chiên của mình thêm nhiều lên, bạc, vàng và mọi tài sản mình dư đật rồi thì bấy giờ lòng người tự cao, quên Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.’ (PTLLK 8:19)
Cũng qua câu chuyện vào xứ đượm sữa và mật, người viết lại liên tưởng đến một sự kiện thú vị về những ngày đầu tin Chúa cách đây đúng 25 năm và khuôn mặt khó quên là Mục sư tiền bối Nguyễn Văn Xuân trong một phiên nhóm ‘chui’ khi người về thăm lại quê hương sau hơn một thập niên tha hương đất khách. Cụ cũng là người về sớm nhất trong số những tôi tớ và tín hữu CĐPL di tản sau 75.
Năm ấy tôi nhớ là 1988, tôi vừa ở trại cải tạo về, mới được làm báp-têm rồi hay đi nhóm với mấy bà con cùng cư xá tại Hội thánh CĐPL Phú Nhuận. Tình cờ thế nào mà một buổi tối thứ tư, chị Phan thị Lý, người đầu đàn đã dẫn dắt chúng tôi về với Chúa, khéo xếp đặt với một tín đồ để lấy chỗ căn hộ của bà ta trên lầu C làm nơi nhóm đặc biệt cho một nhóm nhỏ chừng trên dưới hai chục người đa phần cùng cư xá. Phiên nhóm cũng là bất ngờ, (vì thường tối thứ tư hay nhóm học KinhThánh bên HT Phú nhuận ), người chia sẻ thì vẫn giữ bí mật, người nhóm thì có cả người tin lẫn chưa tin, nhưng chị dặn ai cũng cố thu xếp mà đến, vì lỡ dịp sẽ…không có lần thứ hai!
Vốn cảnh giác vì biết đây là phiên nhóm ‘chui’ không có phép của Phường, nhưng nể tình chị và cũng hơi tò mò xem diễn giả là ai, nên ai cũng đến tham gia dù trong lòng có phần ái ngại nếu gặp sự cố. Sau mới biết là chị Lý biết Mục sư Xuân mới về, lại là tín đồ cũ của Thầy ngoài miền Trung nên chị đã mời được người đến chia sẻ lời Chúa cho bà con cư xá.
Gia đình tôi thì đã nghe tiếng Cụ từ lâu cũng qua chị Phan và biết người là bậc tiền bối được sự nể trọng của bà con Cơ Đốc không hẳn chỉ phía Phục lâm mà ngay nhiều người lớn tuổi trong hệ phái Tin Lành dải đất miền Trung cũng vẫn nhắc đến Thầy trong niềm tin kính.
Không hẳn vì vui mừng được gặp một tôi tớ lão thành đáng kính, mà kỳ vọng chắc Thầy cũng sẽ kể ba điều bốn chuyện bên Mỹ, nên ai cũng háo hức muốn nghe. Có điều lo cho Thầy là người từ nước ngoài về dễ gặp ‘rắc rối’ khi có chuyện, nhưng tôi phục Thầy vẫn bình thản an nhiên khi gặp gỡ và chia sẻ với bà con, giao lưu thoải mái thân tình với những thân tín hữu một lần chưa gặp, khác hẳn vài năm sau có tôi tớ cũng từ Mỹ về cứ né tránh không dám bắt tay cả tín đồ và nhận mình là mục sư trước 75! Cũng may phiên nhóm chót lọt được Chúa che chở, tôi cũng thở phào vì có chuyện gì tôi vẫn là đối tượng được họ chú ý sau mới tới chị Phan người tổ chức chui.
Quay lại bài chia sẻ hôm ấy, thật ra là giảng thì ít, chuyện giao lưu thì nhiều. Đề tài đại để nói về Ca-na-an thuộc linh, về lời hứa của Đức Chúa Trời, về lòng trung tín, về sự biết ơn. Những điều Cụ kể xem ra không khác gì với những điều được đọc trong Kinh Thánh, nhưng với lối giảng theo kiểu minh họa và dùng từ giản dị theo ngôn ngữ dân gian, Thầy Xuân cũng như các đồng công cùng thế hệ dễ thu phục lòng tin của những tín đồ mới như chúng tôi. Minh họa thế nào mà Thầy còn ca ngợi đất nước Hoa-kỳ như là một ‘xứ đượm sữa và mật’, ý Thầy muốn nói dư dật về mặt thực phẩm không phải chỉ cung cấp cho dân Mỹ mà còn xuất khẩu viện trợ cho nước ngoài.
Có một câu làm tôi suy nghĩ mãi là Thầy nói phải có phước lắm mới vào được xứ này và nhìn lại bản thân chẳng có cơ hội nào được vào xứ Mỹ, đành tự an ủi chỉ biết tin vào lới hứa của Đức Chúa Trời tu thân tích đức làm sao vào được xứ Ca-na-an thuộc linh, mục tiêu và cứu cánh cuối cùng của người Cơ Đốc.
Vật đổi sao dời, mấy năm sau tôi và gia đình cũng đến được xứ đượm sữa và mật qua một chương trình dành cho người tị nạn. Quả thật nói không ngoa, xứ Mỹ là một xứ đượm sữa và mật, qua nhiều thế kỷ kể từ ngày lập quốc, Chúa đã cho dân tộc này được sung túc và trở thành ngọn cờ đầu trong sứ mạng rao giảng Phúc Âm.
Sau hơn hai mươi năm kiều ngụ trên đất khách, nhìn lại cái gì cũng có hai mặt. Nếu ngẫm lại câu nói của Mục sư Xuân, ‘có phước lắm mới vào được xứ này‘, thì thế nào mới là có phước theo ý của Thầy. Nhiều người đã vào được xứ này nhưng vẫn chưa tìm được nguồn phước hạnh thật sự, vật chất thì no đủ, nhưng tâm thần có người vẫn chao đảo lao đao. Nhìn chung quanh, người đã có (điều mình ứơc muốn) lại muốn có nhiều hơn, người đã giàu lại muốn giàu hơn, người thu nhập thấp vì mới định cư nên bương chải làm hai ba job, thời gian vui hưởng chẳng còn bao nhiêu, thậm chí đôi khi còn phạm cả ngày sa-bát.
Bà vợ tôi là người sốt sắng đưa tôi về với Chúa, có đức tin cao và ăn uống kỹ hơn tôi cũng hay than thở là hồi xưa ăn sắn ăn khoai, chạy ăn từng bữa, nhưng lại được đi nhóm một tuần mấy lần, tối thứ tư học Knh Thánh, tối thứ sáu dự nhóm thanh niên, sáng thứ bảy thờ phượng Chúa, buổi chiều dự lễ tịch dương, rồi lại theo chân mấy chị em đi làm chứng đạo. Nay thì chỉ một ngày sa-bát mà vẫn thấy bận rộn lu bu…
Cho nên phước thay là người biết thỏa lòng, nhận ra những ơn phước Chúa ban, sắp xếp được thì giờ để được gần Chúa, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng đừng ‘quên Đức Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.’
Đỗ Xuân Thảo
No comments:
Post a Comment