Wednesday, June 3, 2015

NGƯỜI NGHỆ SĨ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO

Nguyễn Quốc Thái
Tâm hồn của một nghệ sĩ chân chính cũng giống như một triết gia, đạo gia chân chính. Đạo gia hay triết gia (Đông phương) chân chính thường lấy việc tu dưỡng tâm thần làm trọng, để cho càng ngày tâm thần càng thanh cao thoát. 

     Xa lánh mùi chung đỉnh, cảnh lấn chen, không xu phụ kẻ quyền thế để khỏi chịu ràng buộc vào vòng cương tỏa. Cho nên ngày xưa có nhiều người vào núi ẩn dật, ăn uống thanh đạm, vui hưởng gió núi trăng ngàn;bạn cùng cỏ cây hoa lá, non cao hùng vĩ, suối nước trong veo, say sưa khúc nhạc rừng êm ả. Một ly rượu cúc, một chén trà thô, tương rau đạm bạc mà thấy sảng khoái tâm hồn, như Nguyễn Công Trứ trong bài Hàn nho phong vị phú: “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch…” Trong cái phong thái “thanh bần lạc đạo” của người xưa, Việt Nam ta có cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ tỏ bày chí hướng của mình: 

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn mặc ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao.
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí tợ chim bao.

     Một nhà hiền triết vô danh nọ cũng bày tỏ cái tâm hồn thanh thảng lâng lâng không gợn chút bụi trần ấy qua đôi vế đối: 

“Họ lịch sự như tiên, phú quí như trời, quất con ngựa dong chơi ngoài ngỏ liễu:
Ta trồng cỏ đầy sân, rãi hoa đầy đất, gọi hề đồng pha nước trước hiên mai.” 

     Ta nghe trong đó phảng phất nét tiêu dao thoát trần, ung dung nhàn nhã. 

     Người nghệ sĩ chân chính cũng có một tâm hồn khoáng đạt như vậy. Họ cũng lấy gió trăng làm bạn, lấy non nước làm vui, lòng lâng lâng như hớp lấy muôn vì tinh tú, để hồn mình bay bổng tận trời xa. Duy có điều, người nghệ sĩ thì tình cảm bẩm sinh của họ ướt át, lãng mạng, sống phóng khoáng hơn mà thôi. 

     Họ cũng chẳng màng miếng mồi danh lợi; chiếc ấn công hầu, vì e rằng lợi danh làm han gỉ tâm hồn. Vả lại, dẫu cho vương bá công khanh thì cũng chỉ nhất thời, như tư tưởng Vương Bột trong bài Đằng Vương Các: 

“Các trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại trường gian không tự lưu!”

Có người dịch:
“Đế vương chừ ở nơi đâu?
Ngoài kia sông lớn vẫn sầu lặng trôi!”

hoặc hai câu trong bài Đường thi Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu: 

“Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du!”

được dịch:           
“Hạc vàng bay mất từ xưa,
Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay!”


     Mây trắng, nước xanh (thiên nhiên) thì còn mãi đó, mà vua chúa thì đã mai một, chỉ còn lại những tòa lâu đài, thành quách rêu phong nhòa nhạt; tiêu điều hoặc chỉ là những “nền cũ lâu đài bóng tịch dương” mà thôi. 

     Không chịu vấn vương, không chịu ràng buộc, hồn mình hòa nhập với những cái đẹp của thiên nhiên, để tạo nên những vần thơ trác tuyệt; những họa phẩm xuất thần; những khúc nhạc linh diệu, hóa thân thành những thiên thần bay bổng, vui chơi cùng ngàn sao rực sáng. Cái kho vô tận của trời đất ấy, họ thưởng thức tự do, không ai giành giật được. Tô Đông Pha – một danh sĩ thời Tống – chơi thuyền trên sông Xích Bích. Cảm bởi cảnh non sông nước biếc diễm tình, ánh trăng vàng lung linh huyền ảo… đã sáng tác nên bài phú Tiền Xích Bích bất hủ, có những câu: “…chỉ có ngọn gió mát trên sông cùng vầng trăng sáng trong núi, tai ta nghe tiếng, mắt ta trông nên vẻ, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ hết, đó là kho vô tận của Tạo hóa và là cái thú chung của bác với tôi.” 


     Khách nghe vậy, mừng và cười, rửa chén, rót rượu uống lần nữa. Khi đồ nhắm, hoa quả đã khan, mâm bát ngổn ngang, cùng nhau gối đầu ngủ trong thuyền, không biết vừng đông đã sáng từ lúc nào.” (Phan Kế Bính dịch). 

     (Nguyên văn “…duy giang thượng chi thanh phong, dữ sơn gian chi minh nguyệt, nhĩ đắc chi nhi vi thanh; mục ngụ chi nhi thành sắc; thủ chi vô cấm, dụng chi bất kiệt. Thị tạo vật giả chi vô tận tàn dã, nhi ngô dữ tử chi sở cọng thích. 

     Khách hỉ nhi tiếu, tẩy trản cánh chước. Hào hạch ký tận bôi bàn lang tịch. Tương dữ chẩm tạ hồ chu trung, bất tri đông phương ký bạch.” (Tô Đông Pha). 

     Hai hạng người trên xem danh lợi là vật bẩn thỉu, như Hứa Do rửa tai khi nghe vua Nghiêu muốn truyền ngôi cho mình. Người đời cho họ là những tên gàn dở, mấy ai là kẻ tri âm để cảm thông được tâm hồn thanh cao của họ. 

     Là một điều hợp tình hợp lý, và cũng là lẽ đương nhiên của Tạo hóa. Trên đời phải có họ để cõi trần còn một cái gì cao quí đáng yêu, để cho người đời còn có cái gì đó ngắm xem, mà hướng lòng về Chân Thiện Mỹ; cho lòng người còn có được chút vui thanh cao, an nghỉ sau khi phải ê chề vì những nổi khổ nhục của cuộc đời. 


     Thế nhưng, nếu trên cõi đời này chỉ toàn là những con người như vậy, thì nơi đây chẳng còn là cõi trần gian mà là chốn Thiên thai. Cho nên trênđời cần có một hạng người khác: những nhà lãnh đạo. Họ có cơ mưu, có tài kinh bang tế thế, nắm giữ giềng mối xã hội. Những lãnh tụ chân chính cũng cần thiết cho xã hội để duy trì trật tự, điều hòa cái quần thể loài người càng ngày càng đông đúc trên hành tinh chúng ta. Sứ mệnh của họ cũng quan hệ như sứ mệnh của những nghệ sĩ, được sinh ra là để điểm tô cho cuộc sống đẹp tươi. 

     Thượng Đế biết rõ điều đó, và Thượng Đế đã sản sinh ra những hạng người đó. Trong Kinh thánh, (Sáng  25; 27; 28; 33) chép hai câu chuyện anh em sinh đôi Ê-sau và Gia-cốp. Đọc đến chỗ Ê-sau đi săn về, mệt lả và bụng đói, khi nghe em mình mặc cả: nếu anh muốn có tô canh phạn đậu để ăn, thì hãy nhường quyền trưởng nam cho tôi. Ê-sau, trong một phong thái thoải mái trả lời em: anh gần thác rồi, cũng chẳng cần quyền trưởng nam làm gì. Dĩ nhiên, không phải bởi một tuổi già, vì hai anh em sinh đôi kia mà! Đó chỉ là lời nói thác. Chúng ta thường có cảm nghĩ Ê-sau là anh chàng ham ăn mê uống, hời hợt và vô tích sự, xem rẻ cái quyền cao cả của mình, và chắc ai cũng trách cứ Ê-sau cả. Mà cũng đáng chịu như vậy vì cái ngông của mình! Bởi lẽ đó mà xưa nay đã tốn bao nhiêu giấy mực và nước bọt trong việc mạt sát Ê-sau, (trong giới Cơ-Đốc giáo) bởi cái quan niệm đạo đức theo giáo điều, ước lệ, mù quáng, hẹp hòi. Có mấy ai thương tình, bình tâm mà xét rốt ráo, cạn nhơn tình! Mấy ai cảm thông giùm cho Ê-sau, kẻ được ra đời đã mang cái bẩm sinh tự nhiên của một tâm hồn nghệ sĩ phóng khoáng… Chúng ta hãy chịu khó cân nhắc kỹ thử xem. Một con người sống với nghề săn bắn (du mục), suốt ngày dong chơi qua đồi qua suối, hồn trải rộng với cái bao la của đất trời, mắt say nhìn cảnh bình minh rực rỡ, hoặc hoàng hôn huy hoàng… trông đàn bướm dập dìu vờn cánh hoa xinh, đăm chiêu dõi theo áng mây trời lãng đãng xa xa. Tai nghe muôn bản nhạc thiên nhiên: chim hót, ve ngân, côn trùng tỉ tê, suối reo róc rách, gió réo rì rào… tâm hồn Ê-sau tan hòa vào tạo vật… 

     Ngày qua ngày, tháng qua tháng, cứ mãi ngắm nhìn và lòng rung cảm trước bức tranh tuyệt tác của thiên nhiên kỳ thú như vậy, thì chắc chắn mỗi ngày ấn tích càng in đậm thêm vào tâm hồn phóng khoáng của ông. 

     Một tâm hồn như vậy làm sao có thể để cho quyền lợi buộc ràng, mà không xem nó như một món đồ chơi phù phiếm. 

     Nói cũng đáng tội, dù cho về sau Gia-cốp giả danh giả dạng cướp phước lành do cha già Y-sác ban cho khiến Ê-sau nổi giận, thì đó chẳng qua là cái “nghĩa lý chi nộ” (1) (cái giận hợp lẽ) mà thôi. Cái giận đó là cái giận cho sự bất công, giận cho cái tính lường gạt gian xảo của đứa em quỉ quyệt của mình. 

     Điều biện minh cho luận cứ đó, ấy là lúc Gia-cốp trốn khỏi La-ban trở về Ca-na-an, phập phồng lo sợ Ê-sau trả thù, bèn tính kế tính mưu, hầu làm dịu bớt tình hình. Nhưng trái lại, Ê-sau đã ôm em mình mà khóc khi gặp lại. Điều ấy cho chúng ta thấy rõ cái bản chất phóng khoáng của một tâm hồn nghệ sĩ, dễ quên, dễ tha thứ trong con người Ê-sau. Không oán, không hờn dai dẳng như hạng người đê tiện tầm thường. 

     Không ham danh, không cần quyền, lòng tràn đầy tình tha thứ khoan dung. Cái giận thì nhất thời mà tình yêu thì muôn thuở. 

     Những quang cảnh vĩ đại, bát ngát bao la của núi, của sông, của trời cao vòi vọi, của biển rộng muôn trùng, của sa mạc mênh mông, của thảo nguyên bát ngát hằng ngày trải ra trước mắt, đã thu hút tâm hồn Ê-sau, đểchính Ê-sau hòa lẫn vào đất trời, khiến ông sống một đời sống thanh thoát cao vời, lung linh như muôn ngàn tinh tú.

     Dễ có ai có cặp mắt phi thường để nhìn suốt được mảnh hồn cao khiết của Ê-sau. Thế nhân vì ích kỷ hẹp hòi; vì thành kiến đóng băng; vì cực đoan tăm tối; vì khuôn đúc giáo điều nên cặp mắt bị vẩn đục, bởi cái màng lợi danh che lấp thì làm sao nhìn suốt vào cõi lòng trong sáng tuyệt vời ấy được. 

     Huệ tử, bạn của Trang tử đang làm tể tướng. Ngày kia Trang tử muốn đến thăm bạn. Huệ tử được tin, rất lo sợ, vì e rằng Trang tử sẽ cướp ghế của mình, nên tìm cách ngăn trở. Nghe vậy, Trang tử không đi nữa. Mãi rất lâu về sau, Trang tử mới đến thăm. Trang tử bảo Huệ tử: Trên đường qua đây tôi thấy có con chim uyên-sồ là giống chim hễ không phải hột luyện thì không ăn; không phải nước suối thì không uống; không phải cành ngô đồng thì không đậu. Thế mà có một con chim ụt đang lúi húi ăn xác một con chuột chết, thấy uyên-sồ bay ngang, chim ụt lo sợ cuống cuồng. (Nam hoa kinh) 

     Thế đấy, dưới mắt Trang tử, công danh chỉ là cái xác chuột chết thối rửa. Huệ tử không thấy được điều đó trong Trang tử. Những cặp mắt tầm thường không làm sao nhìn xuyên thấu được những tâm hồn phi thường. Vì người đời vẫn thường hay “suy bụng ta ra bụng người” vậy. Do đó, người xưa có câu: “Ta hồ, yến tước yên tri hồng hộc chi chí tai!” (Sách sử ký) nghĩa là: “Than ôi! Loài chim yến, chim sẻ làm sao có thể hiểu được cái chí của chim hồng, chim hộc!” 

     Vì cái bẩm chất nghệ sĩ bẩm sinh, Ê-sau sống đời sống hư tâm, xem thường danh lợi, để cho lòng được thanh thảng chẳng gợn chút mây sầu. 

     Hơn nữa, trong Ê-sai lại có thêm một đức tính cao quí nữa là tình yêu huynh đệ. 

     Gia-cốp thì sợ sệt, khúm núm, miệng lưỡi ngọt ngào, đãi bôi… đưa ba món lễ vật cầu thân đi trước hầu làm dịu nỗi bất bình của Ê-sau. Nhưng chúng ta nghĩ gì khi nghe Ê-sau trả lời Gia-cốp lúc biết rằng các bầy súc vật đi trước là của lễ ra mắt để tặng ông. Ê-sau bảo: Thượng Đế đã cho anh đầy đủ cả rồi, anh có cần chi nữa đâu. Thật là bất ngờ đối với Gia-cốp, là kẻ có một tấm lòng hẹp hòi, vụ lợi khi nghe câu nói của Ê-sau.

     Một con người bất vụ lợi, vô tâm, chẳng cưu mang hận thù, chẳng chú tâm đến vật chất, mà chỉ đến với em mình bằng tình yêu thương trong sáng bao la, khoan dung đại độ, bởi đã mòn mỏi qua bao tháng năm nhớ nhung đứa em xa vắng. 

     Một tâm hồn thanh nhã như vậy, há chẳng phải là một tâm hồn Cơ Đốc nhân mà Thiên Chúa mong muốn chúng ta cần phải có sao? 

     Thật ra, dẫu Ê-sau chẳng để lại một tác phẩm nghệ thuật nào như Đa-vít, Sa-lô-môn, song trong ông mang cái bản chất và tâm hồn của một nghệ sĩ. 

     Gia-cốp thì khác. Một con người đầy trí xảo cơ mưu, lọc lừa, quỉ quyệt. xét qua những sự việc ông đã xử trí với Ê-sau, và sau đó đối phó với La-ban, làm cho ta biết thật rõ ràng bản chất của ông ta. 

     Có một điều chắc không khỏi làm cho nhiều người ngạc nhiên, ấy là nếu đem ra mổ xẻ, phân tích trần trụi, thì Gia-cốp tầm thường như vậy, thế mà là người được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo dân sự của Ngài! Đó là một huyền nhiệm! Huyền nhiệm như trong các sự cố Phi-e-rơ, Phao-lô… vậy. 

     Giả sử Ê-sau – theo truyền thống kế thừa – trở nên một lãnh tụ thì sao? Vô tâm, bất cần đời, hời hợt với chức quyền, thích tiêu dao nhàn nhã… con người ấy làm sao có thể đảm đương trách nhiệm? Nhưng trái lại phải có con người trí năng cơ xảo, biết quyền biến, biết xoay xở… người ấy phải là Gia-cốp, dù ông mang tiếng là kẻ "tiếm vị".

     Thiên Chúa biết rõ điều đó, biết trước điều đó. Ngài đã sắp đặt mọi việc theo chương trình của Ngài. (Rô 8:29, 30). 

     Thượng Đế có bất năng không khi Ê-sau là trưởng nam, Gia-cốp là em thứ? Sao Ngài không cho Gia-cốp sinh ra trước, để phải sinh ra lắm điều ngang trái như vậy? Không, Ngài không tiền định cho hai cái bào thai của cặp song sinh nầy, nhưng Ngài biết trước cái bản chất bẩm sinh của mỗi người, rồi Ngài đạo diễn cho mọi việc tuần tự xảy ra theo chương trình của Ngài. Và cũng từ trong các sự kiện ấy, dạy cho Gia-cốp, Ê-sau và bao người trong cuộc, cho cả đến ngàn sau, một bài học làm kim chỉ nam, hướng dẫn cuộc đời mỗi người. 

     Cũng còn một thắc mắc không kém phần quan trọng: 

     Một nhà lãnh đạo phải là người quyền biến, cơ xảo… nhưng một người lừa lọc, quỉ quyệt xấu xa như Gia-cốp thì tại sao Chúa lại chọn? Đó là chỗ chúng ta cần suy gẫm hầu rút ra một bài học Ngài muốn truyền đạt. 

     Nếu theo dõi hành vi của Gia-cốp, ta thấy dù ông là người ham quyền lợi, song cũng là người biết kính sợ Thiên Chúa. Trên bước đường lưu lạc, ngủ giữa sa mạc, chắc chắn trong cái cảnh trống vắng hoang vu ghê rợn ấy, ông cảm thấy dày vò ray rứt. Một đứa con cưng, ngày đêm quanh quẩn bên gối mẹ, được ấp iu, chìu chuộngbởi bàn tay trìu mến của mẹ mình, mà nay nằm ngủ giữa nơi hoang liêu cô tịch như vậy, và còn phải lìa xa mái ấm gia đình, đi đến một chốn xa lạ, và ở đó không biết đến bao giờ mới trở lại quê nhà, thì chắc lòng ông chua xót và nhận ra cái hậu quả đau thương của việc mình làm. Do đó, ông mới kêu cầu cùng Chúa, dâng lên Ngài mảnh lòng tan nát của mình trong niềm thống hối. 

     Chúa đã nghe và đáp lời ông bằng giấc chiêm bao, khiến cho khi thức giấc, ông cảm thấy lòng phấn chấn để dấn bước lên đường sau khi dựng mấy hòn đá và hứa nguyện cùng Ngài.

     Về sau, trên đường trở về quê, ông đã vật lộn với thiên sứ và được đổi tên là Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa ông lại được ban phước, và quan hệ nhất là ông đã được “phục sinh”.

     Cổ nhân nói: “Nhân thùy vô quá, hữu quá tắc cải, thị vị vô quá” (ai cũng có lỗi, nếu biết sửa đổi thì kể như không có lỗi). 

     Mấy mươi năm trường, kể từ lúc nằm chiêm bao giữa sa mạc, rồi những ngày lang thang chăn bày cho La-ban trên thảo nguyên bát ngát, cho đến lúc trốn La-ban trở về quê mẹ… Gia-cốp đã có rất nhiều cơ hội sống giữa cảnh vắng lặng, yên tĩnh để trầm tư, được thông công cùng Chúa, mang cả tấm lòng hối hận dâng lên cho Chúa, và lắng nghe được tiếng phán truyền của Chúa, để rồi Thiên Chúa đã chữa lành, ông được tái sinh!

     Cũng như Đa-vít, Ê-sai, Gióp, Phi-e-rơ, Phao-lô… Gia-cốp khi đã thấy Chúa, liền thấy cái bản chất trần trụi xấu xa của bản ngã, nên họ đã “ăn năn trong tro bụi” và Thượng Đế đã phục sinh họ! 

     Con người trần tục xấu xa Gia-cốp đã được phục sinh, để trở nên một tộc trưởng Y-sơ-ra-ên lỗi lạc, đến nỗi về sau chính Gia-cốp – một kẻ ăn nhờ ở đậu đất nước người, lại đặt tay trên đầu Pha-ra-ôn Ai-cập mà chúc phước – một ông vua của thời đại vàng son của nền văn minh Ai-cập cổ đại. 

     Mỗi  người có một sứ mạng riêng rẻ dưới ánh mặt trời. Người nghệ sĩ cũng như nhà lãnh đạo, miễn là được Thiên Chúa tái tạo, thì họ sẽ đem lợi ích đến cho muôn người, nếu không được đặt tay bởi Chúa, thì họ chỉ là những kẻ “giá áo túi cơm’, tác hại cho đời.

     Lãnh tụ hay nghệ sĩ, mỗi người một lãnh vực. 
     “Xuất”, “xử” mỗi người mỗi cách. 

     Cũng có thể một người nào đó, có lúc xuất, cũng có lúc phải xử. Xuất là để mưu lợi cho mọi người theo tinh thần cao cả của tư tưởng: “lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân”. Thế nên, được, mất, hơn, thua không làm họ bận tâm. Vì lẽ ấy mà Uy Viễn tướng công (Nguyễn Công Trứ) khi bị giáng làm lính, ông đã trả lời người học trò cũ đang làm tuần vũ – người học trò mà ông đã đến làm lính dưới quyền – khi anh tỏ ý xin thầy thay chiếc áo lính: “Khi làm tướng ta không lấy đó làm vinh, lúc làm lính ta cũng không cho đó là nhục…”. Đó là tâm hồn cao khiết của hạng người đạt đạo; hạng tầm thường làm sao có được phong thái ấy! 

     Lãnh tụ hay nghệ sĩ; xuất hay xử cũng chẳng khác nhau, miễn sao lúc nào cũng thấy lòng mình thanh thảng, không vướng bận bởi những dấu vết ô nhục, hoen ố tâm hồn, đến nỗi cứ ray rứt không thôi, nếu ai đó còn chút lương tri để ray rứt. 

     Và làm sao để được như người xưa đã nói: “Ngẩng lên không thẹn với trời, cúi xuống không hổ với người”. (2) 

Được vậy thì dù ở cương vị nào kẻ đó cũng đạt đạo vậy! 



Đêm mạt gà cắn không ngủ được tại Kim Long.
Ngày 1 tháng 4 năm 1991
                                                              
Nguyễn Quốc Thái



(1) Nghĩa lý chi nộ:
“Huyết khí chi nộ bất khả hữu, nghĩa lý chi nộ bất khả vô.”
(Cái giận do huyết khí chẳng nên có, cái giận bởi lẽ phải chẳng nên không có.)

(2) “Ngưỡng bất húy ư thiên, phủ bất tạc ư nhân.” hoặc
“Ngưỡng thiên bất quí, phủ địa vô tâm.”


No comments:

Post a Comment