Năm cũ đã qua, năm mới lại đến. Chu kỳ thời gian vận hành
của trời đất vẫn quay đều chừng nào trái đất chưa đến hồi tận thế. Nói theo nghĩa
thuộc linh chừng nào Chúa chưa trở lại và mọi
sự trên đất chưa kết thúc theo ý của Thiên Chúa.
Mấy năm
trở lại đây, đăc biệt năm vừa qua, thiên hạ nhắc nhiều, suy diễn nhiều về ngày
tận thế. Có người tin có kẻ ngờ, nhiều người tỏ ra thờ ơ, nhưng cũng có kẻ bán
nhà bán cửa, bỏ công thôi việc, thậm chí bán cả nhà thờ như một ông mục sư Tin
lành ở mạn bắc Cali khi ông tin chắc là ngày tận thế sắp đến (với ngày tháng cụ
thể) rồi bỏ tiền cùng quyên góp cho một chiến dịch cảnh báo sự kiện này trên toàn
nước Mỹ. Theo sở thuế của Mỹ chứng thực có năm ông quyên được cả 20 triệu USD.
rồi Chúa vẫn chưa đến, ông sinh bệnh, mất tiền, mất nhà thờ, tín đồ mất chỗ nhóm,
báo hại cho nhiều người làm theo ông cả tin vào lời tiên tri hão.
Ấy vậy mà những năm kế tiếp, người ta vẫn còn bày chuyện một
ngày ngắn hạn nào đó sẽ có tận thế, một ngày mà trái đất sẽ tiêu tan trần gian
xóa sổ. Thật sự chẳng cần suy đoán, ‘ngày
đó’ sẽ đến, đến bất thình lình, bất cứ lúc nào, nhưng may thay Kinh thánh đã
chỉ rõ chỉ có Đấng Tạo Hóa, Đấng làm ra muôn vật mới biết rõ điều này. Chính Chúa
Giê-su Đấng thông hiểu mọi sự cũng còn cảnh báo chỉ có Cha ta ở trên trời mới nắm
ngày giờ cụ thể.
Cho nên, là những người có đức tin, chúng ta không tin vào
những lời đồn đóan của con người mà chỉ vững tin là Chúa sẽ trở lại và trở lại
một ngày không xa dựa theo những dấu hiệu của thời kỳ cuối cùng như các tôi tớ
của Chúa thường giảng dạy.
Điều quan trọng là ngày nào còn sống trên thế gian, thì mối
quan hệ giữa người với người vẫn là nhân tố thiết yếu và tố chất yêu thương lại
càng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày chưa kể giữa những người đồng đạo
với nhau. Chính Chúa cũng thường nhắn nhủ con cái của Ngài nên tỏ tình yêu thương
lẫn nhau như ‘ta yêu thương các ngươi’.
Năm nay theo niên lịch là 2013, con số 13 làm tôi liên tưởng
đến Chương 13 trong sách 1 Cô-rinh-tô mà tác giả là sứ đồ Phao-lô khi ông viết
về ý nghĩa của Tình Yêu Thương, một chương mà sau này các học giả nghiên cứu về
Tân ước cho đây là một trong những chưong tuyệt vời nhất củaThánh kinh.
Tôi chú ý đến một câu mà sứ đồ đã ví von khi ông lấy ‘đức
tin’, một tập quán mang niềm tự hào của người Cơ-đốc để đánh giá thái độ của người
tin Chúa , ‘dầu tôi có cả đức tin đến nỗi dời núi được, nhưng không có tình yêu thương thì tôi chẳng ra gì’’ (câu 2)
Biểu lộ về tình yêu thương không hẳn chỉ bằng môi bằng lưỡi,
bằng những cái hôn cái hug theo thói quen thường thấy, mà Phao-lô chỉ thẳng ra
bằng một số hình thức cụ thể, trong đó theo tôi mang tính nhân bản nhất vẫn là ‘có tình yêu thương thì hay làm điều nhân từ
và chẳng hề ghen tị’. Nói theo nghĩa thường thì nhân từ là biết thương người
và làm điều tử tế, một khi đối xử tử tế thì chẳng còn ghen ghét tị hiềm, một thói
xấu mà con người thường vấp phạm từ buổi sáng thế.
Quả thật ghen tị là một thói xấu, phản lại tình yêu thương
và tác hại nặng nề đến mối quan hệ giữa người với người, nó tồn tại nhãn tiền
ngay trong gia đình cha mẹ con cái, trong họ tộc chú bác cô dì, trong anh em đồng
tông đồng sở, trong bạn bè lối xóm xa gần,
trong cộng đồng mỗi người đang sống, mà còn đi xa hơn len lỏi vào cả các con cái Chúa
trong các hội thánh, mà nếu không ngại ‘vạch
áo cho người xem lưng’, ai cũng có thể chỉ ra các trường hợp cụ thể ở những nơi
những chốn một thời họ từng sinh hoạt, bất kể Mỹ hay Việt, trong nước hay hải
ngoại, giống dân này hay sắc tộc kia.
Nói cho ngay, ghen
tị là căn bệnh xã hội có di căn từ khi xác lập cộng đồng loài người, biểu thị
ngay từ những ngàycó Ê-va và A-đam trên đất. Các gương xấu vì ghen tị đã được
thuật lại trong anh em nhà Ca-in, trong đám anh trai nhà Giô-sép mà hậu quả khôn
lường mang đến các bi kịch gây thương vong và điêu đứng cho các nạn nhân bị anh
em hay người đời ghen ghét.
Ngày nay, chẳng nói đâu xa ngay trong các hội thánh của mình
vấn nạn thiếu tình yêu thưong vẫn còn tồn tại, đa phần do tính ghen ghét tị hiềm
từ những điều nhỏ nhặt trong sinh hoạt, chuyện ăn chuyện uống, quan hệ cá nhân đến những sự việc nghiêm trọng hơn khi chia rẽ
bè nhóm, ngay cả trong công việc tông đồ phục vụ tha nhân, khi sự yếu đuối của
con người vốn chỉ muốn cho mình là nhất và quên đi vinh hiển chỉ dành cho Chúa
qua những công việc công đức mình làm. Chính thói ghen tị làm mất tình đoàn kết,
hiệp một trong con cái Chúa, gây khó xử cho việc điều hành lãnh đạo hộị thánh,mà
đôi khi có cả chức viên trong ban trị sự. Có ngưòi đã bỏ hội thánh, thậm chí chính
tôi đã được nghe lời than thở của một nữ tín đồ vùng tôi ở khi cô phàn nàn mối
quan hệ soi mói của những người chị em của mình mà phải thốt ra, ‘họ ác lắm bác
ơi!’.
Đầu năm tản mạn chuyện yêu thương mà người viết cứ như muốn
phơi bày mấy cái tiêu cực trong sinh hoạt hội thánh, trong quan hệ cộng đồng.
Quả thật chẳng ai muốn làm như vậy, nếu có viết ra thì cũng chỉ là nói hộ cho
nhiều người và cũng là dịp để chính tôi, một kẻ bất toàn nghiệm lại bản thân mình
có vấp phạm đâu đó trong cuộc đời tin kính dù một lần hay nhiều lần, vô tình
hay hữu ý.
Đạo của Chúa cốt lõi vẫn là ơn cứu rỗi, ai đã tin và theo
Chúa đều hiểu điều này. Đức tin là quan trọng, sự trông cậy là thiết yếu, ấy vậy mà
Phao-lô khi so sánh với tình yêu thương, ông vẫn cho là ‘trong ba điều ấy tình yêu
thương vẫn là trội (trọng) hơn cả’.
Nhớ lại khi đi tù cải tạo, tôi ở chung với một vị sư già.
Thầy là giám đốc tuyên úy Phật giáo
trong quân đội miền Nam và có quan hê quen biết với gia đình tôi. Có lần thầy hỏi
tôi, bà cụ anh còn đi chùa không, tôi trả lời bà cụ con đã mất, rồi tiện dịp tôi
thưa với thầy gia đình ở nhà vơ và các con đã tin Chúa. Lý do làm sao tôi cũng
kể sơ qua. Nghe xong, thầy chỉ nói, “Thế cũng được, giáo lý của Chúa Giê-su về
nhân từ bác ái cũng sâu lắm.” Rồi như để tôi đỡ bối rối, thầy quay sang chuyện
khác. Tôi cứ nhớ lời thầy và coi như lời
chứng, rồi tìm hiểu về Kinh Thánh, khi ra trại theo gương vợ con, từng bước tôi
trở thành tín đồ Cơ-đốc.
Cali, ngày đầu năm
Đỗ
xuân Thảo
No comments:
Post a Comment